Hình ảnh về lich sử Hội đồng Anh Việt Nam

Hội đồng Anh là tổ chức hợp tác văn hóa giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh được thành lập năm 1934. Chúng tôi có văn phòng ở hơn 100 nước và có mặt tại Việt Nam từ năm 1993.

1993

Vào mùa thu năm 1993, Giám đốc đầu tiên của Hội đồng Anh Việt Nam, bà Muriel Kirton, đã đến Hà Nội để thành lập Văn phòng Hội đồng Anh Việt Nam với những hoạt động chính là đào tạo tiếng Anh, cung cấp thông tin về đất nước, con người và giáo dục Vương quốc Anh cũng như các hoạt động trao đổi trong lĩnh vực khoa học.

Tại thời điểm đó, Hội đồng Anh là Ban văn hóa của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.

1994

Chuyến trao đổi chuyên gia đầu tiên giữa Vương quốc Anh và Việt Nam do Hội đồng Anh điều phối, được thực hiện giữa trường đại học Khoa học Hà Nội và trường đại học Y tế nhiệt đới Liverpool, Vương quốc Anh trong khuôn khổ chương trình liên kết đào tạo giáo dục trên đại học. 

Cũng trong năm này, chúng tôi đã tổ chức một chuỗi các khóa  tập huấn về đào tạo tiếng Anh đầu tiên trong cả nước, nhằm giới thiệu các phương pháp dạy tiếng Anh tiên tiến tới các trường cao đẳng và học viện.  

1995

Chúng tôi triển khai chương trình dạy tiếng Anh cho các cán bộ cao cấp của chính phủ Việt Nam và các chương trình học bổng đi du học tại Vương quốc Anh. Nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam, Ông Phạm Gia Khiêm đã là một trong những cán bộ cao cấp đầu tiên của chính phủ Việt Nam tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh này.

Năm 1995 cũng là năm chúng tôi bắt đầu giới thiệu hai chương trình học bổng quan trọng nhất do Hội đồng Anh quản lý đến Việt Nam. Chương trình học bổng Chevening do Bộ ngoại giao Anh tài trợ và học bổng Hợp tác kỹ thuật (TCT) được Bộ Phát triển Vương quốc Anh tài trợ. 

1996

Hội đồng Anh đã chuyển văn phòng làm việc từ một văn phòng nhỏ trên phố Bà Triệu sang một văn phòng mới, to đẹp hơn trên phố Cao Bá Quát, Thành phố Hà Nội.

1997

Tháng 5 năm 1997, Hội đồng Anh mở văn phòng mới tại 25 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

1998

Dự án “Sách Thiên niên kỷ” được khởi động với việc Hội đồng Anh thực hiện một chương trình tài trợ sách văn học cổ điển của thế kỷ 20 cho 80 tổ chức giáo dục tại Việt Nam. Trong 10 năm đầu tiên tại Việt Nam, tổng số sách Hội đồng Anh tài trợ đã lên đến 150,000 cuốn.

1999

Đây là một năm của những chuyến viếng thăm cấp cao của Vương quốc Anh tới Việt Nam, bao gồm các chuyến thăm của Hoàng tử Andrew, Huân tước xứ York, và Nam tước phu nhân Helena Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Anh toàn cầu.

Cũng trong năm này, Hội đồng Anh bắt đầu các hoạt động quảng bá nền giáo dục Vương quốc Anh tới Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên Việt Nam được tiếp cận với các nguồn thông tin tốt nhất để giúp họ có được những lựa chọn đúng đắn khi đi du học tại Vương quốc Anh.  

2000

Triển lãm giáo dục Vương quốc Anh lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với hơn 4.500 người đến tham dự. 

Lần chuyển văn phòng thứ hai của Hội đồng Anh từ phố Cao Bá Quát về 40 Cát Linh, Hà Nội.

2001

Hội đồng Anh Việt Nam được công nhận là một tổ chức độc lập theo hiệp định kí kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ông Nguyễn Minh Hiển ký với Nghị sĩ John Prescott, Phó Thủ tướng Anh.

Hiệp hội cựu du học sinh Việt Nam tại Anh (UKAV) đã được thành lập và ra mắt. Đây là Hiệp hội dành cho những người Việt Nam đã từng học tại Vương quốc Anh từ 3 tháng trở lên.

2002

Hội đồng Anh Việt Nam mở các khóa học tiếng Anh đầu tiên cho công chúng tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh 

2003

Chúng tôi kỷ niệm 5 năm hợp tác đối tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO). Để đánh dấu sự kiện này, một bộ phim tài liệu đã được đài BBC thực hiện. Bộ phim tập trung vào nhạc trưởng Colin Metters, người đã hợp tác rất tích cực với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, cũng như tham gia các hoạt động quảng bá nền âm nhạc cổ điển của Hội đồng Anh. Bộ phim “Harmony in Hanoi” được ra mắt giới truyền thông vào tháng Ba tại phòng chiếu của BAFTA ở thủ đô Luân Đôn.

2004

Tháng Hai, Hội đồng Anh ra mắt trang web với giao diện mới, thân thiện hơn với người sử dụng, kết nối các ý tưởng và đổi mới của Vương quốc Anh với các dịch vụ của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

2005

Selector, chương trình âm nhạc đương đại hay nhất của vương quốc Anh được phát sóng hai tiếng một tuần trên đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình này cũng đã đạt được giải thưởng vàng cho chương trình phát thanh hàng tuần hay nhất tại cuộc thi Giải thưởng Học viện Sony lần thứ 23

Chương trình đã được giới thiệu tại một sự kiện đặc biệt tại Việt Nam với sự tham gia của DJ hàng đầu của nước Anh, Blakey, biểu diễn cùng các ca sỹ, nghệ sỹ Việt Nam như Ngọc Khuê, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà và nhóm nhảy Big Toe. 

2007

Một bản Ghi nhớ Hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), Bộ Kỹ năng, Đại học và Đổi mới (DIUS), Vương quốc Anh và Bộ Gia đình, Trường học và Trẻ em, Vương quốc Anh đã được ký kết. Bản ghi nhớ đã được kí trong một sự kiện quan trọng với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh. 

Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đó, một bản ghi nhớ chính thức giữa hai chính phủ cũng đã được ký kết ghi nhận vai trò điều phối của Hội đồng Anh trong việc thực hiện nội dung của bản ghi nhớ này.

2008

Vào mùa hè năm 2008, Hội đồng Anh lại một lần nữa chuyển văn phòng từ phố Cát Linh về phố Thụy Khuê.

“Kỹ năng ngoại hạng”, một dự án hợp tác đối tác được xây dựng trên nền tảng chuyên môn cao về giảng dạy và huấn luyện của Hội đồng Anh và Giải ngoại hạng Anh đã được khởi động vào năm này. Dự án này đã qui tụ uy tín, thương hiệu và mạng lưới của cả hai tổ chức nhằm phát triển kỹ năng sử dụng bóng đá cho mục đích giáo dục và phát triển ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

2009

Vào ngày 6 tháng 10, Hội đồng Anh đã được chính thức công nhận là một ”tổ chức văn hóa, giáo dục nước ngoài độc lập và phi lợi nhuận”, theo nghị định 18/2001 CP-NĐ của Chính phủ Việt Nam.

Điều này đã công nhận sự cam kết lâu dài của Hội đồng Anh và Vương quốc Anh với Việt Nam cũng như Hội đồng Anh luôn là đối tác tin cậy đối chính phủ Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác hiệu quả và đa dạng.

2010

Hội đồng Anh được cộng đồng Châu Âu, các sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ để thực hiện giai đoạn 1 của chương trình  đối tác tư pháp (JPP). Dự án này nhằm hỗ trợ nỗ lực cải cách tư pháp của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý.

2011

Hội đồng Anh bắt đầu triển khai các khóa đào tạo tiếng Anh tập trung tại Đồ Sơn, Hải phòng cho khoảng 600 nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam mỗi năm trong khuôn khổ dự án 165 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2012

Hội đồng Anh mở rộng các cơ hội đào tạo tiếng Anh chất lượng cao tới công chúng tại hai Trung tâm giảng dạy mới, Trường tiểu học Brendon, Hà Nội và Trường THPT Lê Quí Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh, William Hague đã đến thăm Hội đồng Anh tại Hà Nội vào ngày 25 tháng 4 để trao đổi với các sinh viên Việt Nam về chủ đề “Hợp tác giáo dục tiến tới thịnh vượng”.

2013

Hội đồng Anh Việt Nam nắm giữ vai trò quan trọng hàng đầu với tư cách là tổ chức nòng cốt điều phối các hoạt động thành lập một trường đại học chuẩn quốc tế Anh- Việt theo khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng. Sự kiện này đã diễn ra trong chuyến thăm chính thức tới Vương Quốc Anh của Ông Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng Một.