Hôm nay, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã phối hợp với Ban quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm (ETEP) và Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội thảo: “Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và quốc tế” với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ Hội đồng Anh Việt Nam và một số tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý Chương trình ETEP, các trường đại học sư phạm/ Học viện Quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP, cùng đại diện các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.
Việt Nam đang trong quá trình "đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục", trong đó chất lượng giáo dục được xác định là trọng tâm và cũng là thách thức. Chất lượng của hệ thống giáo dục liên quan đến chất lượng giáo viên, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo trường cùng công tác đào tạo giáo viên mà trong đó ưu tiên quan trọng là hoạt động phát triển chuyên môn thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy được nâng cao một cách đồng bộ. Nằm trong khuôn khổ của chương trình ETEP, vay vốn Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trong đổi mới toàn diện giáo dục, Hội đồng Anh đã hợp tác chặt chẽ với chương trình ETEP và Học viện Quản lý Giáo dục để tổ chức hội thảo “Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và quốc tế”. Tại hội thảo, các chuyên gia của Vương quốc Anh và Hội đồng Anh đã giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và địa phương về chương trình bồi dưỡng thường xuyên (CPD) tới đại biểu tham gia hội thảo.
Hội thảo kéo dài một ngày tập trung hỗ trợ các trường đại học sư phạm và các địa phương thực hiện mục tiêu và chuẩn bị cho chương trình bồi dưỡng cùng các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong năm 2018. Các chia sẻ đến từ các chuyên gia của Hội đồng Anh đã cung cấp và giới thiệu một cái nhìn tổng quan cho các đại biểu tham gia về kinh nghiệm và thực tiễn phương pháp bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Hội đồng Anh hỗ trợ nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á bao gồm kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển giáo viên tại Trung Quốc; kinh nghiệm phát triển chuyên môn giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam và xây dựng cộng đồng giáo viên trao đổi chuyên môn cho tới kết quả nghiên cứu dự án xây dựng năng lực cho các trường phổ thông của Việt Nam để thực hiện cải cách giáo dục căn bản và toàn diện giáo dục …Hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trong trường phổ thông Việt Nam và kết quả nghiên cứu của tám trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP về đánh giá chương trình và đề xuất chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp.
Với mục tiêu hướng tới việc tất cả giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận với Chương trình bồi dưỡng thường xuyên (CPD) chất lượng cao, qua đó tạo ra những điều kiện tốt nhất dựa trên nhu cầu thiết thực giúp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý trường học và mang lại kết quả học tập tốt cho học sinh của mình”, Ông Jon Glendinning, Giám đốc Hội đồng Anh tại Tp Hồ Chí Minh cho biết “Chúng tôi rất vui khi được có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển giáo viên sử dụng phương pháp tiếp cận Giảng dạy thành công của Hội đồng Anh. Đây là phương pháp đang được áp dụng rất phù hợp với hệ thống các trường công lập trên thế giới. Và tại Việt Nam, trong ba năm qua, số lượng giáo viên tiếng Anh được tiếp cận với phương pháp tiếp cận Giảng dạy tiếng Anh thành công của Hội đồng Anh đã lên tới con số hơn 1.500 người.”
Hội đồng Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2018, chúng tôi đánh dấu 25 năm hoạt động tại Việt Nam với chuỗi sự kiện kỷ niệm quan hệ và trao đổi văn hóa giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.