Hội thảo Kỹ năng cơ bản Thế kỷ 21 cho học sinh trang bị cho lãnh đạo nhà trường tại Hà Nội những kiến thức và công cụ quan trọng để lồng ghép các kỹ năng cơ bản trong chương trình học. Hội nghị do Hội đồng Anh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13 tháng Một 2017.
Hội thảo là hoạt động tiếp theo trong chương trình Core skills – Kỹ năng cơ bản của Hội đồng Anh toàn cầu, trang bị cho người trẻ sáu kỹ năng quan trọng để sống và làm việc trong nền kinh tế hiện nay. Sáu kỹ năng này bao gồm tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, sáng tạo và tưởng tượng, hợp tác và trao đổi, lãnh đạo và phát triển cá nhân, sử dụng công nghệ số, và tinh thần công dân.
Nhà trường và lãnh đạo nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc trang bị cho học sinh những kỹ năng đó qua chương trình học. Bà Ann Burgess, Cố vấn của Hội đồng Anh về Lãnh đạo trường học đã dành thời gian đến Việt Nam để lắng nghe các lãnh đạo đến từ các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội trao đổi về những thách thức của nhà trường trong việc lồng ghép những kỹ năng cơ bản vào chương trình dạy và học.
Những khó khăn đó tiếp tục được đặt trong sự so sánh khi bà Ann Burgess mang tới những câu chuyện cụ thể để chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh. Đáng chú ý trong nội dung hội thảo là chương trình Xây dựng Năng lực Học tập (BLP) và định hướng giáo dục chú trong tới Khía cạnh Xã hội và Cảm xúc của Học tập (SEALs). Cả BLP và SEALs hiện đều đang được áp dụng tại rất nhiều trường học tại Vương quốc Anh (70% các trường Cấp 2 tại Vương quốc Anh hiện đang áp dụng SEALs).
Điểm nổi bật của cả BLP và SEALs là sự coi trọng việc nuôi dưỡng cảm xúc và sự tự tin của học sinh trong quá trình học, để học sinh luôn giữ được sự tò mò và hứng thú với kiến thức mới, không nản chí khi gặp những bài tập khó và luôn sẵn sàng đưa ra nhiều giải pháp trước một vấn đề. Bằng cách đó, BLP và SEALs giúp cho nhà trường có thể tạo nên điều kỳ diệu: đó là giúp cho người học trở nên thông minh hơn, thay vì tin rằng trí thông minh là bẩm sinh.
Ưu điểm của cả hai cách tiếp cận trên đó là những thay đổi nhỏ và khả thi, thay vì những kế hoạch và chương trình to tát. Ví dụ, trong lớp học, thay vì khen tặng sự thông minh của học sinh, giáo viên sẽ coi lời khen là dịp để khẳng định rằng ai cũng có thể vượt qua thử thách nếu thực sự dành thời gian và sự quyết tâm; hay thay vì lặp đi lặp lại về “bài tập, bài học,” giáo viên sẽ nói về “bài tập” thông qua một sự vật, hiện tượng thú vị nào đó mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Các lãnh đạo nhà trường cũng được giới thiệu về cách bố trí nhân sự, phát triển chuyên môn giáo viên để thực hiện hiệu quả hơn việc lồng ghép kỹ năng cơ bản vào chương trình.
Không ngừng khát khao phát triển, sáng tạo trong hoạt động dạy và học, liên tục nâng cao thành tích, đó là phương ngôn hội thảo muốn chuyển tải đến các lãnh đạo nhà trường những nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong sự nghiệp giáo dục phát triển học sinh thành những công dân có giá trị trong thể kỷ 21.