TỔNG QUAN
Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong trường hợp này, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.
Phiên bản Việt Nam của chương trình là dự án Di sản Kết nối – làm việc với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một.
Di sản nhạc và phim – đặc biệt là di sản của các nhóm lề hóa (do lý do kinh tế, xã hội hoặc chính trị), bao gồm các cộng đồng dân cư nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số - đang có xu hướng trở nên ít liên quan hơn đến sự phát triển về văn hoá và xã hội đương đại nói chung ở Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế liên tục phát triển. Một số các giá trị độc đáo của di sản nhạc và phim nhận được ít sự quan tâm và hỗ trợ, và do đó đối mặt với nguy cơ biến mất. Tình trạng này dẫn đến việc các cộng đồng gắn liền với các di sản gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển nguồn lực con người và đóng góp cho phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường của đất nước.
Dự án Di sản Kết nối sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng khác nhau đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng khắp trong các ngành di sản. Dự án gồm hai hợp phần chính liên quan chặt chẽ: Di sản Cộng đồng, và FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ). Các hoạt động của Hợp phần Một tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các cộng đồng địa phương, trong khi đó Hợp phần Hai hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung – đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả - nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với các giá trị truyền thống.
Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại.
MỤC TIÊU
Mục tiêu lớn của dự án là đóng góp vào sự phát triển đồng đều và bền vững của ngành di sản tại Việt Nam.
Các mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm:
- Đem đến các sáng tạo đột phá thông qua các kênh điện tử và các tập huấn nâng cao năng lực;
- Cải thiện sinh kế cho các cộng đồng yếu thế;
- Tăng tương tác với các di sản thông qua các mạng lưới, không gian và gắn kết cộng đồng (cả vật lý lẫn điện tử);
- Tạo ra một môi trường rộng mở và mang tính hỗ trợ cao, qua các đối thoại chính sách, mô hình kinh tế và các phương thức quản lý điển hình;
- Tạo ra các kết nối song phương bền vững giữa các ngành di sản của Việt Nam và Vương quốc Anh.
ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LỢI
- Thành viên các cộng đồng – đặc biệt là các cộng đồng yếu thế - sống tại các địa phương nắm giữ các di sản văn hóa, hoặc có những gắn bó xã hội và lịch sử với các di sản;
- Những người thực hành sáng tạo tương tác với di sản nhạc và phim của Việt Nam: các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, lưu trữ viên, nghệ sĩ, học sinh,sinh viên;
- Các tổ chức hoạt động trong ngành di sản, trong đó có các tổ chức du lịch văn hóa;
- Các nhà hoạt động chính sách, bộ máy quản lý hành chính cấp quốc gia và địa phương.
KẾT QUẢ MONG ĐỢI
- Tác động dài hạn: Đóng góp vào sự phát triển đồng đều và bề vững trong ngành di sản tại Việt Nam
- Kết quả trung kỳ:
+ Di sản văn hóa cộng đồng được quảng bá và giá trị của những di sản này được công nhận; các cộng đồng cải thiện được sinh kế thông qua việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo vệ và chia sẻ các giá trị di sản văn hóa của họ
+ Các tài sản di sản văn hóa được tiếp cận rộng rãi hơn, và được tiếp nối sáng tạo qua việc số hóa, nâng cao năng lực, và giáo dục đào tạo (trong đó có việc dạy và truyền nghề)
+ Ngành di sản tại Việt Nam nhận được sự hợp tác nhiều hơn về mặt chính sách và thể chế, và hưởng lợi từ những liên kết với ngành di sản của Vương quốc Anh.