Trần Thị Bích Ngọc là cán bộ văn hóa của UBND xã Kông Lơng Khơng, phụ trách công tác văn hóa của tám thôn trong xã. Chị Ngọc được Ủy ban xã giao nhiệm vụ hỗ trợ làng Mơ H’ra trong các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án Di sản Kết nối năm 2018. Trưởng làng Mơ H’ra và người dân trong làng cũng đánh giá chị Ngọc là người quản lý và tổ chức hoạt động rất có năng lực. Trước đại dịch, chị Ngọc đã tổ chức các buổi họp với cộng đồng để thảo luận về các khía cạnh của dự án và đạt được sự đồng thuận với dân làng, đồng thời tổ chức các hoạt động như các khóa đào tạo về quản lý di sản, phát triển du lịch và các lễ hội địa phương. Trong bối cảnh việc đi lại bị hạn chế do Covid-19, chị Ngọc đã nhanh chóng thiết lập và hướng dẫn dân làng Mơ H’ra cách sử dụng các công cụ trực tuyến để liên lạc với các thành viên và cộng tác viên của dự án. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, chị Ngọc đã sắp xếp và trợ giúp dân làng Mơ H'ra tham gia hội thảo trực tuyến với ban điều phối dự án Di sản Kết nối để cùng nhau phát triển bộ công cụ kể chuyện di sản, trong đó những câu chuyện di sản của họ sẽ được ghi lại và chia sẻ thông qua hình thức vẽ, chụp ảnh, và video. Năm 2022, chị Ngọc cùng một nhóm các phụ nữ ở xã Kông Lơng Khơng đã khởi xướng dự án truyền dạy nghề dệt truyền thống và chế tạo các sản phẩm làm quà lưu niệm. Hiện chị đang hỗ trợ một kế hoạch đổi mới và mở rộng các dịch vụ lịch do ban quản lý du lịch của làng triển khai, bao gồm cả việc xây dựng một ngôi nhà rông mới làm nơi lưu trú cho khách du lịch.
Dân làng Mơ H’ra (tỉnh Gia Lai) tạc tượng và dệt vải
Hội đồng Anh
Chị Ngọc chia sẻ, làng Mơ H'ra được nhắc đến trong hồ sơ đề cử UNESCO của Việt Nam là một địa điểm trải nghiệm văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần đưa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có mặt trong danh sách di sản phi vật thể của nhân loại của UNESCO.
Dự án Di sản Kết nối đã hỗ trợ dân làng Mơ H’ra trong việc phát triển du lịch cộng đồng, bắt đầu với việc đào tạo kĩ năng, thành lập ban phát triển du lịch cộng đồng và các nhóm dịch vụ du lịch khác, lấy chứng chỉ sức khỏe và an toàn theo quy định của nhà nước và tổ chức các chuyến tham quan thử nghiệm. Người dân địa phương đã có nhận thức tốt hơn về di sản văn hóa của họ, không chỉ về cồng chiêng mà còn về các nghề thủ công, các làn điệu dân ca truyền thống, nghề dệt vải, v.v., và giờ đây họ nhận thấy rằng có thể kết hợp di sản văn hóa trong các hoạt động du lịch tại địa phương. Dân làng Mơ H’ra đã từng phải bán cồng chiêng để trang trải cuộc sống, nhưng giờ họ giữ lại cồng chiêng của mình để luyện tập và chơi tại các lễ hội địa phương cũng như trong các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch. Mặc dù trước đây chưa có nhiều cơ hội để người dân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch do các chuyến du lịch bị hủy vì đại dịch Covid 19, người dân làng Mơ H’ra hiện đang khởi động lại các hoạt động phục vụ du lịch trong tình hình đại dịch đã dần được kiểm soát.
Một điều mà chị Ngọc nghĩ rằng đã thúc đẩy chị và dân làng Mơ H'ra tham gia dự án Di sản Kết nối là họ được tham gia vào tất cả các bước của quá trình, từ việc hình thành ý tưởng đến lập kế hoạch và triển khai các hoạt động xoay quanh các hiện vật và thực hành di sản của họ. Theo chị Ngọc, người dân làng Mơ H'ra đồng ý và sẵn sàng tham gia vào dự án Di sản Kết nối lai vì mọi bước đều minh bạch - các kế hoạch và vấn đề đều được thảo luận cởi mở với cộng đồng và cũng được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện địa phương. Chị Ngọc cũng nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của giới trẻ, của các nghệ nhân và các cán bộ nhà nước - mọi người đều hăng hái tham gia các hoạt động của dự án vì quá trình này đem lại lợi ích cho tất cả các thành phần. Chị hy vọng sẽ sớm được cùng dân làng Mơ H’ra tiếp tục phát triển du lịch khi hiện nay du khách địa phương đang bắt đầu ghé thăm làng trở lại.