Phú Văn Ngòi là người sáng lập và quản lý Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tại làng Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận. Vào tháng 9 năm 2021, ông Ngòi và các xã viên của Hợp tác xã đã đáp lại lời kêu gọi đề xuất từ dự án Di sản Kết nối với đề xuất bảo tồn nghề dệt truyền thống Chăm thông qua hoạt động nghiên cứu và tổ chức một khóa đào tạo các thợ dệt về các mẫu hoa văn Chăm truyền thống. Khi nhận được khoản hỗ trợ từ Hội đồng Anh vào tháng 12, nhóm một nhà nghiên cứu, hai nghệ nhân và 12 học viên ở Mỹ Nghiệp đã bắt đầu quá trình kéo dài ba tháng để tìm lại các hoa văn truyền thống và cùng nhau học cách dệt.nên những mẫu này. Đến cuối khóa học, tất cả các học viên đều có thể tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh với những họa tiết này. Hiện giờ họ cũng có thể truyền dạy tay nghề cho những người khác nên ngày càng có nhiều người biết cách dệt nên những hoa văn này, nhờ đó hoa văn truyền thống Chăm xuất hiện nhiều hơn trên các sản phẩm dệt từ Mỹ Nghiệp và các làng Chăm khác.
Ông Ngòi kể lại: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng mà ai cũng biết dệt. Bản thân tôi là một thợ dệt nhưng cũng như những người khác, tôi chỉ biết cách làm những hoa văn cơ bản. Dự án này đã giúp tôi học cách dệt những hoa văn tinh xảo và quý hiếm mà chỉ một số nghệ nhân lâu năm mới biết đến”.
Kể từ khi thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cách đây nhiều năm, ông Ngòi đã cố gắng vận động dân làng tiếp tục làm nghề khi các hợp tác xã thủ công trên khắp cả nước phá sản, trong bối cảnh các sản phẩm thủ công chật vật cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ. Hợp tác xã của họ đã phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài cho đến hai năm trước, khi ông Ngòi quyết định mở lại hoạt động. Ông nhận thấy rằng người Chăm vẫn thích mặc trang phục thủ công truyền thống của họ. Ông nghĩ nếu những người thợ dệt khéo léo hơn và có thể dệt nên những hoa văn tinh xảo hơn, họ sẽ có thể duy trì nghề thủ công của mình bằng cách bán sản phẩm với số lượng ít hơn nhưng chất lượng tốt hơn và do đó có giá thành tốt hơn cho cả người Chăm và du khách. Lâu nay, những người thợ dệt luôn muốn học cách dệt nên một số họa tiết đẹp và hiếm mà các nghệ nhân xưa đã làm, tuy nhiên Hợp tác xã không đủ khả năng tài chính để tổ chức đào tạo như vậy cho đến khi nhận được hỗ trợ từ Hội đồng Anh.
Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính không phải là tất cả những gì ông Ngòi và các xã viên nhận được từ dự án Di sản Kết nối. Thông qua quá trình chuẩn bị và nộp đề xuất, các thành viên đã được hướng dẫn cách phát triển một dự án hoàn chỉnh với các mục tiêu rõ ràng, các hoạt động theo kế hoạch, các bước tuyển dụng và đào tạo được hoạch định và quản lý ngân sách. Ông Ngòi và các xã viên của mình rất phấn khởi trong cả quá trình và tin rằng mình sẽ có thể áp dụng những kỹ năng này trong việc xây dựng các kế hoạch tương lai của Hợp tác xã và trong những cơ hội xin hỗ trợ tương tự. Ông Ngòi cùng các xã viên cũng tự tin hơn trong việc triển khai một dự án từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, từ khâu lập kế hoạch đến quản lý, đánh giá và báo cáo kết quả.
Sau khi tham gia khóa đào tạo, cả 12 học viên dệt đều được nâng cao tay nghề với những mẫu hoa văn mà bạn đầu họ cho là rất phức tạp. Những người thợ dệt rất vui vì họ có thể áp dụng những gì họ học được vào việc tạo ra những sản phẩm mới với hy vọng sẽ bán được với giá tốt hơn những sản phẩm thông thường của họ. Những người dân khác trong làng cũng tham gia dự án – nhiều người đã tham dự sự kiện phát động và lễ tổng kết, khi các nhà nghiên cứu và nghệ nhân giới thiệu về truyền thống dệt vải như một nét độc đáo của văn hóa Chăm. Qua đó, người dân trong làng đã được nâng cao hiểu biết và lòng tự hào về giá trị của nghề truyền thống của họ. Trong khóa đào tạo, Hợp tác xã đã được Đài truyền hình quốc gia ghé thăm và đưa tin về dự án trên kênh truyền hình lớn nhất đất nước, và đó cũng là một động lực lớn cho họ. Khóa đào tạo đã kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2022, hiện giờ Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã bắt đầu xây dựng kế hoạch sản xuất của mình với một lòng nhiệt huyết mới. Với ông Ngòi, dự án này là một sự khích lệ mạnh mẽ cho những người thợ dệt địa phương tập trung sức lực cùng gây dựng lại Hợp tác xã và nghề dệt truyền thống của họ, sau khi Covid-19 đã để lại những tác động nặng nề tới đời sống dân làng.