Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình nghiên cứu hành động của Hội đồng Anh khám phá những cách thức mà trong đó văn hóa địa phương có thể cải thiện cuộc sống của các cá nhân trên khắp thế giới. Từ năm 2018, thông qua các hoạt động thí điểm ở Colombia, Kenya và Việt Nam, chương trình tìm hiểu di sản văn hóa hướng tới sự phát triển đồng đều như một khái niệm toàn cầu với các giải pháp địa phương. Các dự án do cộng đồng và người dân làm chủ, được xây dựng và quản lý cùng các đối tác địa phương, nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương quảng bá và hưởng lợi từ di sản văn hóa của chính họ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội.
Phiên bản Việt Nam của chương trình là dự án Di sản Kết nối – làm việc với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một. Di sản Kết nối sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng khác nhau đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng khắp trong các ngành di sản. Dự án gồm hai hợp phần chính liên quan chặt chẽ: Di sản Cộng đồng, và FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ). Các hoạt động của Hợp phần Một tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các cộng đồng địa phương, trong khi đó Hợp phần Hai hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung – đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả - nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với các giá trị truyền thống.
Hợp phần Di sản Văn hóa Cộng đồng đã và đang tập trung vào xây dựng năng lực và tạo cơ hội cho các thành viên trong cộng đồng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản của họ, trong đó bao gồm hoạt động du lịch di sản. Từ năm 2018 đến 2021, với trọng tâm là âm nhạc truyền thống, các hoạt động đã được triển khai tại bốn địa điểm: Gia Lai, Kon Tum (âm nhạc cồng chiêng của người Bahnar), Ninh Thuận (nhạc lễ của người Chăm) và TP.HCM (cải lương). Các hoạt động này nhằm đảm bảo các cộng đồng và chủ sở hữu di sản có thể hưởng lợi từ những nỗ lực của họ, một cách toàn diện và dựa vào cộng đồng, trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của mình. Từ năm 2021-2023, sáng kiến Thử thách Di sản Văn hóa Cộng đồng đã được xây dựng dưới dạng các chương trình tài trợ nhằm cho phép cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế và thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy và hưởng lợi từ di sản văn hóa của họ. Đây là cơ hội cho các cộng đồng đã được tập huấn trong những năm trước áp dụng các kỹ năng mới của họ dưới hình thức hành động.
Sự kiện được đồng tổ chức bởi Hội đồng Anh và Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tập trung thảo luận về những đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở Việt Nam. Hoạt động này cũng nằm trong khuôn khổ UK/Viet Nam Season 2023, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.