Khán giả trẻ tại một triển lãm nghệ thuật do Hội đồng Anh tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ảnh: Julie Vola 

Hội đồng Anh, phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hân hạnh giới thiệu một dự án mới – Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai trong vòng ba năm từ 2018 tới 2021, với tổng ngân sách 450,000 Euro do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Một không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, nơi mọi người có thể cùng nhau thể hiện những ý tưởng nghệ thuật và sáng tạo trong một môi trường tự do và cởi mở, từ đó tạo điều kiện cho họ chia sẻ những sản phẩm nghệ thuật tới cộng đồng. Tại Việt Nam, phần lớn các không gian này đều hoạt động độc lập, thường được dẫn dắt và quản lý bởi các nghệ sỹ hoặc người thực hành nghệ thuật và sáng tạo. Những tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và có tiềm năng trong việc tham gia và hỗ trợ các biểu đạt nghệ thuật cũng như các cơ hội tiếp cận với đời sống văn hóa.

Để hỗ trợ cho các tổ chức này và cho công tác triển khai Chiến lược Quốc gia Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa 2020, tầm nhìn 2030, Hội đồng Anh và Viện Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), với kinh nghiệm làm việc chặt chẽ với các KGVHST từ năm 2014, cùng đề xuất dự án này và sẽ triển khai một loạt các hoạt động hỗ trợ các tổ chức và những người thực hành trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo.

Dự án được thiết kế với ba hợp phần có liên quan chặt chẽ với nhau. Hợp phần thứ nhất tập trung vào nâng cao năng lực cho những người chủ và quản lý các KGVHST, cũng như những nghệ sỹ và người thực hành nghệ thuật trong mạng lưới của các không gian này – cụ thể là về kỹ năng quản lý, xây dựng và kết nối công chúng, và các kỹ năng văn hóa sáng tạo khác. Hợp phần thứ hai hướng tới việc kết nối các KGVHST với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thông qua hoạt động đối thoại chính sách và các cơ hội trao đổi trực tiếp và cởi mở. Việc này nhằm mục đích để phía quản lý nhà nước có thể hỗ trợ các KGVHST và để các không gian này có thể đóng góp nhiều hơn cho việc thực thi chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa. Hợp phần thứ ba là nhằm thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau và kết nối giữa các KGVHST ở các vùng miền khác nhau ở Việt Nam, cũng như kết nối mạng lưới các không gian này ở Việt Nam với các không gian tương tự ở Châu Âu.

Tất cả các hoạt động này sẽ được thiết kế cùng với các KGVHST và dựa trên những nhu cầu thực tiễn để đảm bảo các không gian sẽ nhận được những hỗ trợ thiết thực nhất cho sự phát triển. Sự phát triển bền vững của mạng lưới các KGVHST ở Việt Nam sẽ đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa nghệ thuật của quốc gia, đem đến những hoạt động văn hóa đa dạng đến với công chúng. Dự án sẽ không chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mà đặt mục tiêu vươn rộng hơn để tác động được đến các KGVHST và công chúng ở các vùng nông thôn và bán nông thôn.

Qua việc hỗ trợ mạng lưới các KGVHST ở khắp cả nước, dự án mong muốn thúc đẩy sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nghệ thuật và ngành văn hóa ở Việt Nam. Văn hóa là một nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững, là một con đường để kết nối với cộng đồng trong việc định hướng tương lai và góp phần cho một xã hội cởi mở, đồng đều và ổn định. Các cách tiếp cận theo hướng văn hóa và nghệ thuật có thể trao quyền cho các nhóm đối tượng khác nhau để tham giao vào những trao đổi đa văn hóa, cùng đưa ra những giải pháp sáng tạo phục vụ cho số đông, và nâng cao năng lực cho các bên liên quan. Văn hóa cũng cung cấp công cụ và không gian cho những biểu đạt có tính sáng tạo và đưa đến tiếng nói cho các cá nhân để tăng sự hiểu biết, sự đồng cảm, và khuyến khích những thay đổi tích cực.

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam thể hiện cam kết của Liên minh Châu Âu, Hội đồng Anh tại Việt Nam và VICAS trong việc hỗ trợ cho các tổ chức làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam phát triển hơn nữa trong các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo. Thân mời các nhà báo tới tham dự Buổi họp báo nơi chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án cũng như mời thảo luận về vai trò của các KGVHST trong sự phát triển của nghệ thuật và các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như những đóng góp của các không gian này đến đời sống văn hóa đa dạng và sôi động ở Việt Nam.

Giới thiệu về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 65 triệu người, đồng thời tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với 731 triệu người. Chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin. Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org

Giới thiệu về VICAS

Thành lập vào ngày 01/04/1971 với tên gọi Viện Nghệ thuật. Sau một số lần thay đổi tên gọi, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) chính thức trở thành tên gọi theo Quyết định số 2997/QD-BVHTTDL ngày 03/09/2013 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao, đào tạo sau đại học về văn hóa, nghệ thuật và văn hóa du lịch.
http://vicas.org.vn/

Giới thiệu về Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, cũng như 130 phái đoàn và đại diện khác của Cơ Quan Hành Động Đối Ngoại trên khắp thế giới, phục vụ EU bằng cách:

  • công khai, giải thích và thực hiện chính sách EU
  • phân tích các chính sách của Việt Nam, quốc gia mà họ được cử làm đại diện
  • tiến hành đàm phán theo các nhiệm vụ được giao
  • thực hiện quyền hạn được trao cho Cộng Đồng Châu Âu tại các nước thứ ba, thông qua thúc đẩy các lợi ích của châu Âu như được bao gồm trong các chính sách cộng đồng (ví dụ như thương mại, nông nghiệp và  thủy sản)
  • đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển, vai trò này đã được mở rộng hơn rất nhiều trong những năm gần đây như một kết quả của chính sách chuyển giao quyền lực, một phần cốt lõi trong gói cải cách hỗ trợ đối ngoại của Ủy Ban. Phái đoàn hiện không những liên quan chặt chẽ trong khâu lên kế hoạch hỗ trợ, mà còn trực tiếp quản lý các dự án trong lĩnh vực.

Ngoài những nhiệm vụ này, Phái Đoàn đại diện cho Liên Minh Châu Âu trong mối quan hệ với Việt Nam, và là một phần thiết yếu trong quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại giữa châu Âu với nước sở tại, cũng như cung cấp thông tin về các chính sách và thể chế của EU. Phái đoàn cũng hỗ trợ và trợ giúp các thể chế và các cơ quan chức năng khác của EU, bao gồm Nghị Viện Châu Âu.
https://eeas.europa.eu

Xem thêm