TỔNG QUAN
Dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại (TMSV) được thực hiện nhằm đóng góp cho Chương trình phòng chống mua bán người ở Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình 130/CP) và Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống tệ nạn mua bán người, được ký vào ngày 28 tháng 11 năm 2018 tại Luân Đôn.
Dự án được hỗ trợ và tài trợ bởi Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, và được thực hiện dưới sự hợp tác của 3 tổ chức, bao gồm Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Hội đồng Anh (BC) và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (WV), trong đó IOM là trưởng nhóm.
Dự án bắt đầu vào đầu năm 2019 với mục tiêu chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam thông qua thay đổi hành vi, tăng cường truy tố và hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân hoặc những người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán người. Dự án dự kiến đạt được ba lĩnh vực tác động chính sau:
- Phòng ngừa và bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán;
- Tăng cường việc xử lý tư pháp đối với các vụ việc mua bán người;
- Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Hội đồng Anh chịu trách nhiệm thực hiện lĩnh vực tác động 2 của dự án TMSV – Tăng cường việc xử lý tư pháp đối với các vụ việc mua bán người, tương ứng với Đề án 2 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” và Đề án 4 “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người” của Chương trình 130/CP
MỤC TIÊU
Thông qua dự án TMSV – Lĩnh vực tác động 2, Hội đồng Anh, hợp tác với Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan địa phương, hướng tới đạt được những kết quả như sau:
- Hiểu biết của các nhóm dễ bị tổn thương tại cộng đồng về quy trình và việc tiếp cận hệ thống tư pháp hình sự trong trường hợp mua bán người được nâng cao;
- Điều tra viên, công tổ viên, thẩm phán, và luật sư được tập huấn nâng cao năng lực trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các trường hợp mua bán người, bao gồm nhận diện các chỉ số/vụ việc mua bán người, kỹ năng làm việc với nạn nhân và nhân chứng, kỹ năng điều tra, thu thập bằng chứng và quản lý các vụ việc hình sự, thực hiện hiệu quả các văn bản luật sửa đổi và các kinh nghiệm tốt từ quốc tế;
- Tăng cường công tác điều phối giữa các cơ quan trong ngành tư pháp tại các tỉnh dự án thông qua việc hỗ trợ cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo Chương trình Hành động quốc gia về Phòng chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020’
Dự án được thực hiện tại năm tỉnh ở Việt Nam: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
THÔNG TIN LIÊN QUAN