Vào tháng Năm năm 2021, Hội đồng Anh bắt đầu thực hiện một chương trình thí điểm được nhiều người mong đợi, dành cho giảng viên của mười cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, những người được giao nhiệm vụ thực hiện các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy tiếng Anh ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. 30 giảng viên và các cán bộ đào tạo từ mười trường đại học trọng điểm đang tham gia chương trình học trực tuyến từ xa, thay vì đào tạo trực tiếp trên lớp, do hạn chế bởi những diễn biến hiện tại của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (ĐANNQG), Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (Bộ GD&ĐT) đặt mục tiêu nâng cao chất lượng việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này là tăng cường cung cấp các cơ hội phát triển chuyên môn cho giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp 63 tỉnh thành, với mục đích khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp tiếp cận lấy người học làm trung tâm vào thực tiễn giảng dạy. Các chương trình bồi dưỡng giáo viên như vậy thường được mười trường đại học trọng điểm được ĐANNQG giao nhiệm vụ thực hiện việc lên kế hoạch và triển khai.

Sau khi tiến hành phân tích nhu cầu của các giảng viên và cán bộ đào tạo về một số thách thức mà họ phải đối mặt, ĐANNQG đã yêu cầu Hội đồng Anh thiết kế và phát triển một chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho hơn 200 giảng viên của mười trường đại học được ĐANNQG giao nhiệm vụ với vai trò là các giảng viên huấn luyện quốc gia. Dựa trên những yêu cầu này, Hội đồng Anh đã phát triển một chương trình gồm 150 giờ học trực tiếp trên lớp, kết hợp 40 giờ học trực tuyến bổ trợ cho chương trình chính khóa. Chương trình được xây dựng dựa theo phương pháp tiếp cận Giảng dạy thành công của Hội đồng Anh và cụ thể là Khung Chương trình phát triển chuyên môn thường xuyên (CPD) dành cho các giảng viên và cán bộ đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban ĐANNQG giải thích, “ĐANNQG, Bộ GD&ĐT và Hội đồng Anh đã thỏa thuận hợp tác trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và đánh giá tiếng Anh tại Việt Nam. Không chỉ thống nhất và phối hợp trong các mục tiêu và định hướng, chúng tôi còn hợp tác để thực hiện một loạt các hoạt động quan trọng về bồi dưỡng giáo viên, giảng dạy và học tập. Hội đồng Anh đã cung cấp các chuyên gia tư vấn quốc tế để phát triển chương trình đào tạo cho các giảng viên, những cán bộ đào tạo với nhiệm vụ nâng cao năng lực giảng dạy cho các giáo viên tiếng Anh trên khắp Việt Nam.”

Bắt đầu từ tháng Năm, 30 giảng viên đã bắt đầu tham gia chương trình học thí điểm trực tuyến với thời lượng 60 giờ nhằm phát triển chuyên môn và các kỹ năng thực hành của họ trong vai trò là giảng viên huấn luyện. Những phản hồi của các học viên về chương trình thí điểm cũng sẽ giúp định hướng và triển khai chương trình trong tương lai vì dự kiến chương trình sẽ được nhân rộng tới nhiều hơn nữa các giảng viên của 10 trường đại học trọng điểm. Các mô-đun của khóa học bao gồm các chủ đề như hiểu biết về bối cảnh dạy và học của giáo viên, tập trung vào kiến thức theo chủ đề cụ thể liên quan đến việc dạy và học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, dạy mẫu hiệu quả, hỗ trợ và cố vấn cho giáo viên.

Ông Davide Guarini Gilmartin, Quản lý học thuật, Ban phát triển tiếng Anh trong hệ thống giáo dục của Hội đồng Anh đồng thời cũng là giảng viên của chương trình thí điểm trực tuyến này, cho biết “Học viên của khóa học đều là những giảng viên có kinh nghiệm và hầu hết trước đây đã từng làm việc với các giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, họ vẫn đánh giá cao về cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau và có lẽ quan trọng nhất là để phát triển chuyên môn cho chính bản thân – để chuyển đổi từ giảng viên dạy sinh viên sang giảng viên huyến luyện giáo viên. Tất cả học viên đều đang tham gia rất tích cực trong quá trình học tập và thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với nhiều thách thức mà giáo viên phổ thông ở Việt Nam phải đối mặt. Nhờ nhận thức được những vấn đề như vậy, họ có thể soạn giáo án và thực hiện các hoạt động phát triển chuyên môn một cách hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu thực tế của giáo viên”.

Chị Hoàng Quý, học viên đến từ Đại học Hà Nội cho biết “Tôi đặc biệt thích buổi học về phương pháp tìm hiểu nhu cầu của giáo viên địa phương. Tôi nghĩ điều này rất thiết thực về mặt ý tưởng và là công cụ để xác định nhu cầu của họ”. Một học viên khác, Chung Thị Thanh Hằng đến từ Đại học Cần Thơ, nói rằng “Tôi đánh giá cao nội dung tài liệu, những bài giảng và chia sẻ, trao đổi ý kiến của giảng viên Hội đồng Anh với các học viên để tìm hiểu những bối cảnh đào tạo khác nhau ở Việt Nam”. Trong khi đó, chị Lê Thị Giao Chi đến từ Đại học Đà Nẵng đánh giá cao cơ hội “ được làm quen với Khung Chương trình phát triển chuyên môn thường xuyên (CPD) dành cho cán bộ đào tạo, thách thức các giả định của chúng tôi về bối cảnh giảng dạy và nhu cầu của giáo viên địa phương, đồng thời phân tích phản biện một số sách giáo khoa đang được giáo viên ở Việt Nam sử dụng. Tôi rất hào hứng và mong đợi những nội dung sẽ được khám phá trong giờ học tới ”. 

Chương trình thí điểm này sẽ tiếp tục cho đến giữa tháng Bảy, tại thời điểm đó, nhiều giảng viên sẽ có thể áp dụng phần lớn những gì họ đã được học từ chương trình của Hội đồng Anh vào các hoạt động bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên tại các tỉnh thành theo kế hoạch bồi dưỡng hàng năm của ĐANNQG. Các giai đoạn tiếp theo của chương trình dự kiến sẽ được thực hiện trong những tháng tới và năm tới, bao gồm hoạt động giám sát và cố vấn các cán bộ đào tạo; xây dựng các cộng đồng thực hành trực tuyến để duy trì việc hỗ trợ, phát triển mạng lưới và khuyến khích việc chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả giữa học viên của khóa học này, cũng như các học viên mới trong tương lai. Họ là những người được coi là chìa khóa thành công của việc phát triển chất lượng giáo viên và cải thiện kết quả học tập của học sinh trên khắp Việt Nam.