Kể từ đại dịch Covid-19, giá trị và tầm quan trọng của nguồn tài liệu trực tuyến dành cho giáo viên đã được khẳng định. Tương tự như vậy, các cộng đồng thực hành chuyên môn cũng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển giáo viên. Hãy cùng tìm hiểu về một dự án mới do Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh và hai trường đại học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện sử dụng nguồn tài liệu mở tại trang web TeachingEnglish toàn cầu của Hội đồng Anh trong việc hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên tại Việt Nam.

Sáng kiến hợp tác giữa ba tổ chức nói trên và Hội đồng Anh Việt Nam nhằm mục đích cung cấp các khóa học trực tuyến đại chúng mở với chất lượng cao (được gọi là MOOCs) được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh giáo dục của Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của Cộng đồng Thực hành (CoP) tại địa phương. Những hỗ trợ này không chỉ đơn giản là giúp giáo viên giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà còn thúc đẩy động lực cho các giáo viên từ việc đăng ký, tham gia và hoàn thành các khóa học cho đến việc áp dụng những kiến thức tiếp thu được vào giảng dạy trên lớp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thực tế với các đồng nghiệp. Trước, trong và sau các khóa học trực tuyến, giáo viên được mời tham gia các trang Facebook và nhóm Zalo để chia sẻ, học hỏi và cộng tác cùng nhau.

Cùng tìm hiểu thêm về từng dự án trong số ba dự án dưới đây và cách thức thầy/cô có thể tham gia. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cập nhật về các hoạt động phát triển chuyên môn tiếp theo của các dự án. Và đặc biệt, nếu là giáo viên tiếng Anh hoặc là giảng viên, giáo viên cốt cán, các thầy/cô có thể truy cập toàn bộ nguồn tài liệu mở về Giảng dạy tiếng Anh toàn cầu của Hội đồng Anh bất kỳ lúc nào và hoàn toàn miễn phí.

Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam

Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh Việt Nam (VietTESOL) không chỉ quảng bá dự án thông qua trang Facebook mà còn tạo ra một Cộng đồng thực hành trên Zalo với hơn 550 thành viên. Để hỗ trợ các thành viên của mình, VietTESOL đã tổ chức các buổi họp trực tuyến nhằm tạo điều kiện để các thành viên tiếp thu kiến thức chuyên sâu và học hỏi lẫn nhau. Một số hội thảo trực tuyến hướng dẫn và chia sẻ đã được tổ chức để hỗ trợ giáo viên và sẽ có nhiều hội thảo khác được lên kế hoạch trong thời gian tới. Nếu thầy/cô quan tâm đến việc tham gia cộng đồng thực hành dành cho giáo viên, và do giáo viên thực hiện, xin mời tham gia Cộng đồng thực hành trên Zalo của nhóm dự án VietTESOL.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 – Chia sẻ và học hỏi

Ở phía bắc Việt Nam, nhóm dự án 'Thích ứng các khóa học trực tuyến mở đại chúng' thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hay còn gọi là dự án 'Chia sẻ và học tập', đã bắt đầu hợp tác với Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương để hỗ trợ giáo viên tiểu học truy cập và hoàn thành khóa học trực tuyến Các Hoạt động tạo động lực dành cho học sinh tiểu học của Hội đồng Anh, đồng thời giúp giáo viên điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với nhu cầu thực tế tại các lớp học Việt Nam. 

Khóa học cung cấp cho giáo viên nhiều cách tương tác khác nhau để tăng cường động lực học tập của học sinh, bao gồm các trò chơi, bài hát, vần điệu. Giáo viên học cách kết hợp các hoạt động này vào giáo án, tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn hơn. Cách tiếp cận thực tế nhằm đảm bảo những ý tưởng này có thể áp dụng được vào bậc tiểu học tại Việt Nam.

Hơn 120 giáo viên tiểu học tại Hải Dương đã tham gia chuỗi sự kiện trực tuyến bao  gồm buổi giới thiệu định hướng trước khóa học, các buổi chia sẻ, tương tác trên nhóm Zalo diễn ra trong suốt khóa học và buổi tổng kết sau khi khóa học kết thúc, giúp giáo viên có cơ hội chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm mới tiếp thu được của mình với đồng nghiệp, khuyến khích giáo viên thử nghiệm các hoạt động và kỹ thuật mới trên lớp học thực tế với học sinh của mình.

Trong thời gian sắp tới, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có kế hoạch hợp tác với các Sở GD&ĐT khác để hỗ trợ giáo viên tiếp cận, hoàn thiện và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức học tập được từ các khóa học trực tuyến trên trang TeachingEnglish. Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập trang Facebook của dự án, nơi đã có một cộng đồng thực hành với sự tham gia của hơn 1.200 giáo viên.

Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ giáo viên tiếng Anh khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trường Đại học Cần Thơ đang hợp tác với các Sở GD&ĐT ở Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, và Hậu Giang nhằm hỗ trợ hơn 300 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia vào các khóa học trực tuyến trên trang web TeachingEnglish.

Dự án không chỉ thành lập trang Facebook MD English Teachers với gần 450 lượt người theo dõi mà còn sử dụng trang Facebook này như một nền tảng để khảo sát về nhu cầu và mong muốn phát triển chuyên môn của các giáo viên.

Nhiều giáo viên sau khi hoàn thành khóa học đã chia sẻ suy nghĩ của mình về khóa học, về những gì họ thấy tâm đắc và sẽ áp dụng trong thực tiễn giảng dạy của mình.

Cụ thể: một giáo viên đã hoàn thành hai khóa học – Giảng dạy tiếng Anh: Các lớp học hòa nhập và Giới trong giáo dục ngôn ngữ (cả hai khóa học đều được cung cấp miễn phí cho đến ngày 21 tháng 9 năm 2024) – đã chia sẻ 'Điều tôi thích nhất là nền tảng này rất dễ sử dụng và nội dung dễ học. Đặc biệt tôi thích cách các khóa học thiết kế các bài tập. Khi mắc lỗi, tôi có thể làm lại, điều đó giúp tôi nhớ bài sâu hơn. Tôi áp dụng nó vào việc giảng dạy thực tế của mình.'

Về khóa học Giới trong giáo dục ngôn ngữ, cô chia sẻ 'Sau khi tham gia khóa này, tôi nhận ra rằng mình cần bình đẳng hơn trong lớp học: khen ngợi và khuyến khích học sinh nữ cũng như nam. Ngoài ra, khi phân công nhiệm vụ không nhất thiết là các em gái phải giữ vai trò thư ký và các em nam phải là trưởng nhóm. Thay vào đó, các em học sinh có thể đổi vai trò cho nhau để có thể phát huy hết tiềm năng của mình.'