Sự kiện trực tuyến ra mắt chính thức Quỹ Đổi mới học tập ứng dụng kỹ thuật số tại Việt Nam được tổ chức vào thứ Tư ngày 26 tháng Năm năm 2021. Sự kiện hân hạnh được đón tiếp sự tham dự của Đại sứ Giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh, Cục trưởng, Cục hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và gần 110 nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, giảng viên và giáo viên, đến từ Vương quốc Anh và Việt Nam.
Như chúng tôi đã đưa tin trong bản tin điện tử của Hội đồng Anh Việt Nam vào tháng Tư năm 2021, Quỹ đổi mới học tập ứng dụng kỹ thuật số tại Việt Nam nhằm xúc tiến mối quan hệ đối tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Chương trình được thiết kế nhằm tạo ra các nghiên cứu chuyên sâu mới và/hoặc khuyến khích những đổi mới sáng tạo giúp cải thiện việc dạy và học tiếng Anh thông qua kỹ thuật số và truy cập trực tuyến. Sáng kiến thí điểm này đã được Hội đồng Anh phát triển với sự hỗ trợ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam (ĐANNQG).
Sự kiện được chia thành ba phần. Nếu bạn bỏ lỡ bất kỳ phần nào và muốn xem lại, hãy mở các liên kết bên dưới.
Các khách mời giới thiệu sự kiện và chia sẻ những cơ hội về đổi mới kỹ thuật số cũng như các mối quan hệ hợp tác Vương quốc Anh–Việt Nam trong quá trình ứng phó với đại dịch.
Ngài Steve Smith, Đại sứ Giáo dục quốc tế vừa được bổ nhiệm của Vương quốc Anh bắt đầu bài phát biểu bằng việc gửi lời cảm ơn đến các đối tác (Hội đồng Anh tại Việt Nam và ĐANNQG) về việc “cùng nhau thực hiện dự án thú vị này”. Ông tiếp tục phát biểu “Với tư cách Đại sứ Giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh, vai trò của tôi là giúp duy trì và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược trong giáo dục, tại năm quốc gia trọng điểm trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và với vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia, bao gồm cả lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh và ứng dụng rộng rãi của tiếng Anh trong giáo dục và các ngành nghề khác.”
PGS.TS Phạm Quang Hưng, Cục trưởng, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bài phát biểu của mình đã tiếp tục chủ đề này: “ Như Quý vị đã biết, thế giới trong giai đoạn hậu Covid đầy những thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra bao cơ hội mới cho thầy cô giáo, các em học sinh, nhà trường và hệ thống giáo dục. Trong hơn một năm qua các trường học tại Việt Nam liên tục tìm kiếm những giải pháp thay thế như học trực tuyến. Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao nguồn hỗ trợ của Vương quốc Anh thông qua Quỹ đổi mới sáng tạo về ứng dụng kỹ thuật số trong học tập và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Ba dự án thí điểm trong khuôn khổ đều là những dự án chất lượng cao, tiêu biểu cho sự cam kết và hợp tác chiến lược lâu dài giữa các đơn vị hai nước và hứa hẹn đem lại những ảnh hưởng sâu rộng đến người dạy và người học tiếng Anh tại Việt Nam.”.
Phần 2: Giới thiệu ba dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh–Việt Nam
Trong phần tiếp theo, các đơn vị đến từ Vương quốc Anh và Việt Nam có cơ hội giới thiệu dự án của mình với khán giả và trả lời một số câu hỏi về dự án cũng như cách thức thực hiện và đánh giá trong 12 tháng tới.
Thay mặt Đại học Cần Thơ, Dự án Hands Up và IH Belfast, ông Jonathan Dykes đã giới thiệu về dự án Rạp hát số Anh ngữ. Dự án được thiết kế nhằm chứng minh kỹ thuật sân khấu từ xa có thể được tích hợp thành công vào chương trình học ngôn ngữ, thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên kỹ thuật số hiện có, nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp và tạo động lực cho cả người dạy và người học.
Thật vậy, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về quá trình đào tạo ban đầu với các giảng viên và giáo viên từ đồng bằng sông Cửu Long, vui lòng đọc bài blog này của Điều phối viên Dự án Hands Up. Như ông Nick Bilbrough đã chia sẻ: “Tôi thích cách các giáo viên Việt Nam sử dụng những vở kịch này và hiệu chỉnh chúng cho phù hợp với thực tiễn giảng dạy của họ, kết hợp rất thành công các kỹ thuật sân khấu từ xa và sử dụng chúng để giáo dục về bình đẳng giới trong bối cảnh của địa phương.”
Bà Eleanor Maly và bà Marie Willoughby đến từ IH London cùng với bà Nguyễn Thị Hồng Nhật từ Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (HPU2) đã trình bày cách họ sẽ hợp tác để phát triển một khóa học trực tuyến theo hướng tiếp cận mở về phát triển chuyên môn thường xuyên (CPD) dành cho giáo viên Việt Nam. Tài liệu khóa học sẽ được phát triển cùng với hơn 60 giáo viên lớp 6 đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, và những giáo viên này sẽ tham gia vào một chương trình cố vấn hỗ trợ trực tuyến trong 12 tháng tới nhằm chia sẻ những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất cũng như đánh giá và xây dựng nguồn học liệu mới, bao gồm cả video do chính giáo viên tạo ra và những video này sẽ hình thành nên nền tảng của khóa học trực tuyến về phát triển chuyên môn thường xuyên dành cho giáo viên nhờ vào chương trình cố vấn trực tuyến này.
Cuối cùng, bà Bùi Thị Ngọc Thúy và bà Marina Orsini-Jones đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) và Đại học Coventry đã giới thiệu chi tiết về cách thức mà dự án ViVEXELT (Viet Nam Virtual Exchange for English Language Teaching – Trao đổi trực tuyến về Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam) sẽ tiếp cận và thu hút hơn 120 giáo viên tại Việt Nam và Vương quốc Anh tham gia vào các khóa học và cộng đồng thực hành trực tuyến như một mô hình sáng tạọ về phát triển chuyên môn thường xuyên dành cho giáo viên dạy tiếng Anh.
Phần 3:Tọa đàm Ứng dụng phương pháp học tập thông qua kỹ thuật số trên thế giới thời hậu Covid
Trong phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng này, một hội đồng gồm năm chuyên gia và thầy cô giáo đến từ Việt Nam và Vương quốc Anh đã được mời tham gia để chia sẻ kinh nghiệm của họ về bốn chủ đề liên quan đến “Ứng dụng phương pháp học tập thông qua kỹ thuật số trên thế giới thời kỳ hậu Covid”.
Dạy và Học – Thông điệp chính từ cuộc thảo luận này có lẽ được tóm gọn trong một từ - "cơ hội". Mặc dù có nhiều thách thức do Covid-19 đặt ra, các giáo viên và các cán bộ đào tạo đã chứng minh một cách rõ ràng là họ đã thích nghi và ứng phó tốt với những thách thức đó. Thật vậy, để minh chứng cho điều này, cô giáo Hà Ánh Phượng đến từ tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ kinh nghiệm về các dự án gồm mô hình Lớp học không biên giới và dự án Thư viện hạnh phúc, qua đó cô đã được công nhận là một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do quỹ Varkey- đối tác của UNESCO bầu chon năm 2020.
Công bằng trong tiếp cận kỹ thuật số – Trưởng ban ĐANNQG, bà Nguyễn Thị Mai Hữu đã nêu ra một số thách thức mà người dạy, người học và những cá nhân khác phải đối diện trong việc đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận kỹ thuật số trong học tập. Tiến sĩ Nguyễn Văn Long đến từ trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã đưa ra một số sáng kiến đang được thực hiện để giải quyết 'khoảng cách kỹ thuật số', ví dụ: sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn của Việt Nam cũng như sự phân chia theo thế hệ.
Phát triển chuyên môn giáo viên – Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ cảm giác có phần ‘choáng ngợp’ trước khối lượng lớn tài nguyên kỹ thuật số và ứng dụng trực tuyến dành cho người dạy và người học, đặc biệt là để ứng phó với đại dịch và cách cô sử dụng những nguồn tài nguyên đó. Trong khi đó, bà Liana Hyde đến từ dự án Giáo dục tiếng Anh và ứng dụng kỹ thuật số cho trẻ em gái (EDGE) của Hội đồng Anh và ông Mark Henebury, Bộ Thương mại Quốc tế của Vương quốc Anh (DIT) không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của các tài nguyên kỹ thuật số sẵn có dành cho giáo viên và các cán bộ đào tạo mà còn cho thấy sự thiết yếu của 'cộng đồng thực hành' như là một cách hữu hiệu trong tương lai để cùng nhau chia sẻ tài nguyên, học tập từ xa và phản ánh về các phương pháp giảng dạy hiệu quả...
Kiểm tra và đánh giá – Trong phần cuối cùng, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban ĐANNQG, và Tiến sĩ Nguyễn Văn Long của Đại học Đà Nẵng đã nêu ra nhiều thách thức liên quan đến các phương thức đánh giá và kiểm tra trực tuyến ví dụ như tính bảo mật, gian lận, v.v. trong khi cả Tiến sĩ Long và ông Mark Henebury, đến từ Bộ Thương mại Quốc tế của Vương quốc Anh đã đề xuất một số phát triển đang diễn ra trong lĩnh vực này, ví dụ: những cải tiến trong hệ thống quản lý học tập (LMS) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), và đi đến kết luận rằng việc 'quan sát không gian này' để biết đến những phát triển mới trong lĩnh vực này là rất phù hợp.
Tóm tắt – Để kết thúc sự kiện, bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam, đã nhắc đến lời của PGS.TS Phạm Quang Hưng, Cục trưởng, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, rằng “việc học sinh có thể tạm hoãn đến trường, không có nghĩa là chúng ta phải ngừng việc dạy và học”. Rõ ràng là đại dịch Covid-19 không chỉ đòi hỏi chúng ta phải có nhiều giải pháp ứng phó trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ mà nó còn mở ra nhiều cơ hội trong tương tai, cụ thể , đảm bảo rằng việc ứng dụng kỹ thuật số trong công tác dạy và học tiếng Anh có thể giúp việc tiếp cận giáo dục được đồng đều hơn trong tương lai.