FACTS
Là một cuộc thi truyền thông khoa học nên các chủ đề của FameLab thường rất gần gũi với những thắc mắc hàng ngày của chúng ta. Ví dụ như tại sao nách lại có mùi hôi, tại sao giờ chúng ta ngủ muộn hơn hồi nhỏ, tại sao nuôi tế bào gốc máu lại khá là “ngầu” và có thể là bảo bối giúp bạn chống lại Ung thư hoặc HIV. Có phần trình bày vô cùng đặc biệt như màn “hóa thân thành kí sinh trùng sốt rét” của Oskari Vinko (Quán quân FameLab International 2015) cũng đáng xem vô cùng vì nó thú vị và vui nhộn đến bất ngờ.
AMUSING
Thú vị là điều mà không thể “tránh khỏi” khi tham gia FameLab cũng như xem FameLab. Các thông tin khoa học được các thí sinh hầu hết là các nhà khoa học trẻ, năng động sáng tạo nên cách truyền thông tin của họ cũng rất trẻ, sáng tạo và cuốn hút. Tham gia FameLab để khám phá xem những nhà khoa học có thể hài hước và duyên dáng đến thế nào.
MEMORABLE
Đối với mình FameLab còn mang lại nhiều thứ khó quên hơn, không chỉ là những thông tin khoa học thú vị. Đó là những trải nghiệm tại thành phố thủ đô cùng hội anh em FameLab đến từ các miền khác nhau. Đó còn đặc biệt là chuyến đi dài nhất mình từng đi từ trước đến giờ với những ấn tượng ban đầu sâu sắc về nơi sản sình những nhà khoa học vĩ đại của nhân loại đó là Stephen Hawking, Isaac Newton, Charles Dawin,...; là không khí khoa học lan tỏa khắp mọi nơi từ những nóc trại của lễ hội khoa học Cheltenham.
ENGAGING
Mình muốn nhắc tới vấn đề này bởi vì đối với các bạn thí sinh FameLab thì đây là một từ khá “thần thánh” xuyên suốt trong cuộc hành trình. Sự lôi cuốn và hấp dẫn trong việc thuyết trình về một chủ đề khoa học như một chìa khóa quan trong trong các bài trình bày và chia sẻ. Ví dụ như bạn phải học cách để sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật hiệu quả trên sân khấu, dùng nhiều so sánh thực tiễn thay cho các thuật ngữ khoa học không phổ thông…
LEARNING
Nếu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì tham gia FameLab chắc có lẽ là khôn được cả thúng mất, vì hành trình này đã kéo dài đến mấy tháng. Ảnh hưởng sâu sắc hơn cả với mình là bài học về nghệ thuật so sánh trong truyền thông, bao gồm cả truyền thông khoa học. Bạn thử xem một ví dụ dưới đây xem có đúng là lý thuyết khoa học được minh họa dễ hiểu hơn không nhé:
“Sẽ mất khoảng 15 đến 40 năm để một tế bào bình thường bắt đầu đột biến và trở thành tế bào ung thư. Và đây là lý do tại sao tỉ lệ ung thư tăng theo tuổi tác, cũng giống như nguy cơ tăng tai nạn tỉ lệ thuận với thời gian của hành trình. Điều này có thể hiểu đơn giản là thời gian bạn đi trên đường càng lâu thì bạn sẽ càng dễ gặp tai nạn. Các tác nhân gây ung thư như thuốc lá và bức xạ ion hóa (do tiếp xúc với tia cực tím) cũng giống như các “ổ gà” và đường trơn, dẫn đến nguy cơ ung thư tăng lên trong cuộc sống của chúng ta.” - Abhimanyu Veerakumarasivam – Quán quân FameLab Quốc tế 2016
ASSOCIATED
Đó là những kết nối rất quý giá với mình. Mình được nghe những ý kiến đa chiều về một vấn đề, được trải nghiệm khoa học thông qua việc trao đổi và tạo dựng các mối quan hệ. Mình tin rằng, những cuộc đối thoại ấy ít nhiều đã mang lại những cách nhìn và ý tưởng mới trong lĩnh vực của mình. Và mình không những được kết nối với mọi người mà còn là làm tốt hơn nhiệm vụ cầu nối giữa khoa học với công chúng.
BE BETTER
“Tốt hơn” với FameLab - Đó là một thế giới tốt hơn khi kiến thức được lan tỏa và đón nhận nhiều hơn, khi khoa học không chỉ dành cho những nhà khoa học mà còn dành cho tất cả mọi người. Ngoài ra, “tốt hơn” cũng dành cho mình nữa vì những kiến thức và kết nối từ cuộc thi thực sự làm mình có những suy nghĩ trưởng thành hơn so với ngày hôm qua.
Và nếu bạn tham gia thì bạn đang chung tay vì một xã hội tốt hơn đó: www.britishcouncil.vn/famelab