Thảo My chụp ảnh tại Oxford trong một chuyến đi chơi cùng các bạn sinh viên Việt Nam tại Brunel.

Trần Ngọc Thảo My được trao học bổng toàn phần khối ngành STEM dành cho nữ giới năm 2022–23. My hiện mình đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Cơ chế gây bệnh và Trị liệu tại Đại học Brunel London

Vì sao bạn chọn học ngành học STEM và nộp hồ sơ chương trình học bổng Women in STEM của Hội đồng Anh?

Mình đã xác định theo học môn ngành STEM (cụ thể là Sinh học) từ những năm cấp 2 để từ đó mình có một lộ trình học xuyên suốt là bậc trung học phổ thông tại trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội rồi đến bậc thạc sĩ liên quan đến Sinh học. Từ nhỏ, mình đã luôn yêu thích môn học này và càng gắn bó thì càng thấy có nhiều khía cạnh của môn học để mình khai thác và phát triển, quan trọng hơn là Sinh học đặc biệt liên quan đến Y học, một lĩnh vực mình có thể tham gia để mang lại lợi ích cộng đồng.

Hiện tại, Việt Nam đang dần bắt kịp thế giới, đặc biệt là các nước phát triển về mặt công nghệ, vì vậy có rất nhiều kĩ thuật mới đã và đang được ứng dụng trong nghiên cứu và chẩn đoán, sàng lọc nhiều loại bệnh, tuy nhiên chúng ta vẫn còn “bị bỏ lại phía sau” về mặt ứng dụng công nghệ cao trong chữa trị. Vì vậy, mình luôn đam mê và có mong muốn được học hỏi các công nghệ, kĩ thuật mới này. Rất may mắn khi tìm hiểu khóa học thạc sĩ này của Đại học Brunel và thấy có học bổng Women in STEM, mình càng quyết tâm nộp hồ sơ. Ngoài ra về định hướng tương lai của ngành Sinh học thì rất nhiều cơ hội, kể cả về mặt học thuật lẫn công nghiệp nên mình càng tự tin lựa chọn con đường này.

Là nữ giới theo đuổi việc học trong khối ngành STEM, bạn gặp thuận lợi/khó khăn gì?

Sau một thời gian dài học tập trong ngành này, và các ngành STEM nói chung, mình thấy nhiều điểm bất lợi dành cho nữ giới. Thứ nhất, nếu lựa chọn con đường học thuật (đến Tiến sĩ) sẽ mất rất nhiều thời gian và đối với mindset người Việt Nam thì “con gái không nên học cao làm gì”, vì người phụ nữ vẫn luôn được mong đợi là lập gia đình, sinh con và thực hiện bổn phận của người mẹ. Vì vậy, trong môi trường học thuật dài lâu, số lượng phụ nữ luôn chiếm phần nhỏ hơn, do thiếu đi sự ủng hộ của gia đình và xã hội. Thứ hai, vẫn còn tồn tại một số suy nghĩ dập khuôn về việc nam giới tư duy logic các môn học ngành STEM tốt hơn nữ giới. Điều này có thể quan sát được từ giai đoạn THPT khi mà các bạn bắt đầu định hướng vào các môi trường chuyên, các môn STEM thường không thu hút nữ giới bởi nhiều định kiến cho rằng các môn này thường dành cho nam giới nhiều hơn. Những định kiến đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và động lực của các bạn nữ, có thể khiến các bạn tự ti và tự đưa mình vào bất lợi trước các bạn nam.

Điểm thuận lợi lớn nhất khi theo học chương trình học thạc sĩ tại Vương quốc Anh là thời gian học gói gọn trong một năm để sở hữu tấm bằng có giá trị nên giúp các bạn bứt phá khá nhanh. Cá nhân mình thấy chương trình học không có nhiều khó khăn và nếu biết cách tận dụng thì sẽ có nhiều cơ hội lớn để nắm bắt.

Bạn có lời khuyên gì dành cho các ứng viên mong muốn nộp hồ sơ chương trình học bổng năm nay?

Nếu có thể gửi tới các bạn ứng viên năm nay một lời khuyên mình mong các bạn tin rằng sẽ có nhiều cơ hội đến bất ngờ trong cuộc sống, vậy nên các bạn hãy mạnh dạn nộp hồ sơ và tạo ấn tượng tốt nhất với hồ sơ của mình. Một hồ sơ học bổng mạnh là một hồ sơ phù hợp. Vì vậy, hãy đọc thật kĩ tiêu chí của trường, của ngành và của học bổng để “nhào nặn” một bộ hồ sơ chỉn chu nhất! Chúc các bạn thật nhiều may mắn!

Năm bạn Women in STEM Scholars 2022-2023 và hai nhân viên phụ trách học bổng là Mohammed (bên trái) và Nadia (bên phải).
 Thảo My (trái) và Tú Anh (phải) – hai học giả Women in STEM 2022-23