Thứ Sáu 25 Tháng Một 2019

  

Diễn đàn Giáo dục thế giới EWF 2019 đã khép lại, đồng thời cũng mở ra rất nhiều cơ hội, ghi nhận kết quả làm việc của đoàn Việt Nam bằng các hợp tác, những khởi đầu mới với các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các trường đại học, các tổ chức giáo dục của Việt Nam và Vương quốc Anh và một trong những nội dung quan trọng là Thỏa thuận Hợp tác được ký kết giữa Hội đồng Anh và Đề án ngoại ngữ quốc gia. 

Với bối cảnh ngày càng có nhiều các đơn vị, tổ chức, trung tâm giảng dạy tiếng Anh được mở ra ở Việt Nam, mong muốn có một công cụ đo lường được chất lượng của những trung tâm, tổ chức này là điều mà Việt Nam vẫn đang tìm kiếm. Làm thế nào để điều phối và kiểm soát được chất lượng của các tổ chức giảng dạy cũng là ưu tiên trong chương trình làm việc của đoàn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bên lề Diễn đàn Giáo dục thế giới EFW 2019 tại Anh lần này. Bằng việc ký kết phụ lục thỏa thuận hợp tác với Đề án ngoại ngữ quốc gia, Hội đồng Anh, đơn vị đồng phụ trách với Tổ chức English UK về chương trình Accreditation UK, một chương trình đảm bảo chất lượng cho những đơn vị giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ tại Vương quốc Anh, tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và Vương quốc Anh với cam kết kết nối, hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của Vương quốc Anh để Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng dạy và học tiếng Anh; và trong đó một phần quan trọng là đảm bảo quyền lợi của người học thông qua hoạt động kiểm định các trung tâm tiếng Anh. 

Tại buổi họp với Hội đồng Anh và Tổ chức English UK, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ về chương trình cải cách, về việc dạy ngoại ngữ trong khuôn khổ đề án và những ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào kiểm soát và kiểm định các trung tâm ngoại ngữ. Cuộc họp được tổ chức tại trường ngoại ngữ International House đã cung cấp những trải nghiệm thực tế về cách vận hành của nhà trường cùng những kinh nghiệm kiểm định các trung tâm ngoại ngữ của Vương quốc Anh.

Tiếp theo thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Hội đồng Anh và Đề án ngoại ngữ quốc gia, từ năm 2019, Hội đồng Anh và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cam kết tìm kiếm các phương thức phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực giảng dạy cho giáo viên phổ thông và giảng viên đại học, cao đẳng; Khảo thí và đánh giá tiếng Anh; Kiểm định và chuẩn hóa; và Tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh. Bên cạnh các đề xuất hoạt động hợp tác bao gồm hội thảo, trao đổi chuyên gia trong năm 2019, Hội đồng Anh và các đối tác của Anh cũng đã lắng nghe các nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt về đào tạo giáo viên, việc ứng dụng công nghệ trong việc học và dạy ngoại ngữ – trong đó có ứng dụng học ngoại ngữ và nâng cao chuyên môn thường xuyên dùng trên điện thoại thông minh. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả cho quốc gia với gần 84% người sử dụng điện thoại di động dùng điện thoại thông minh, hay việc áp dụng phương pháp blended learning – phương pháp học linh hoạt kết hợp học tại lớp và học trực tuyến -  trong công tác đào tạo nâng cao chuyên môn thường xuyên cho giáo viên ở các tỉnh, 

Giáo dục luôn là lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Cùng với Thỏa thuận Hợp tác Giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết vào năm 2018, các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nói chung và Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng trong lĩnh vực giáo dục sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực có mức độ ưu tiên cao đối với các chiến lược giáo dục của cả hai nước trong đó có sự hỗ trợ của Hội đồng Anh với Đề án Ngoại ngữ quốc gia cũng như vai trò kết nối giữa các trường, các tổ chức trong các lĩnh vực giáo dục của Anh với Việt Nam nhằm thúc đẩy và hỗ trợ để tạo được môi trường hợp tác và đầu tư giáo dục giữa hai quốc gia. 

Diễn đàn giáo dục thế giới là diễn đàn giáo dục phổ thông lớn nhất và năm nay, diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 93 Bộ trưởng giáo dục và 1209 đại biểu tham dự. Hội đồng Anh đã đồng hành cùng đoàn Việt Nam, dẫn đầu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ, trong suốt thời gian diễn ra diễn đàn và làm việc với các đối tác tại Anh và xứ Wales. Bên cạnh các hoạt động chính của EWF 2019, đoàn làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng đã có rất nhiều các hoạt động bên lề, các cuộc họp song phương với Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh, Bộ trưởng giáo dục xứ Wales, hội đàm với CEO Hội đồng Anh, làm việc với các trường, tổ chức và doanh nghiệp về giáo dục… Phát biểu bên lề buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ và CEO Hội đồng Anh, Ngài Ciarán Devane, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh ‘Giáo dục vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Vương quốc Anh, thông qua Hội đồng Anh tại Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa, góp phần vào quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua việc trao đổi kinh nghiệm cũng như chuyên môn trong các lĩnh vực quan tâm chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo’.

Thông tin liên hệ cho báo chí

Hạnh Lê
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
T +84 (0)243 728 1920 (ext.1957)
hanh.le@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 75 triệu người, đồng thời tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với 758 triệu người. Chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin. Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org

Giới thiệu về Accreditation UK

Accreditation UK là một chương trình đảm bảo chất lượng cho những đơn vị giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ tại Vương Quốc Anh. Đây là chương trình phối hợp giữa Hội đồng Anh và tổ chức English UK. Các trường phổ thông, cao đẳng và đại học tổ chức các khóa học tiếng Anh có thể tự nguyện tham gia chương trình. Mỗi thành viên tham gia chương trình được thanh tra bốn năm một lần, giữa những đợt kiểm tra chính thức sẽ có những lần kiểm tra giữa kỳ không báo trước.

Mục đích của chương trình Accreditation UK là đảm bảo chất lượng cho những sinh viên quốc tế đang học tập hoặc có kế hoạch học tiếng Anh tại Vương quốc Anh. Mục đích này được thực hiện bằng việc thanh tra độc lập, đảm bảo các trung tâm được kiểm định thông qua chương trình này đạt được những tiêu chuẩn chất lượng được chấp nhận. Nếu các trung tâm chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn yêu cầu, chương trình Accreditation UK sẽ đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này.

Tính đến nay đã có gần 500 đơn vị tại Vương quốc Anh được chương trình Accreditation UK kiểm định chất lượng.