Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 năm 2019, Hội đồng Anh đã phối hợp với Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tổ chức thành công khóa học Bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ dành cho gần 100 cán bộ nghiên cứu tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Khóa học đã để lại những dư âm và tác động tích cực tới nhiều học viên. “Việc lắng nghe, thảo luận, học tập và chia sẻ cùng các chuyên gia, đồng nghiệp trong khóa học này thực sự là một trải nghiệm đáng quý.” Tiến Sỹ Trần Đức Dũng – chia sẻ sau khóa học.
Là một phần trong chương trình Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Newton Vương quốc Anh do Hội đồng Anh triển khai thực hiện, khóa Bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ dành cho cán bộ nghiên cứu được thiết kế nhằm trang bị cho các cán bộ nghiên cứu trẻ của Việt Nam những kỹ năng cần thiết giúp cải thiện chất lượng nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu dựa trên khung phát triển năng lực cán bộ nghiên cứu tại Vương quốc Anh.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết từ ngày mời nộp đăng ký khóa học, Hội đồng Anh đã nhận được hơn 100 đơn đăng ký của các nhà nghiên cứu tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. “Con số này cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu cấp thiết của nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam trong việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế để không ngừng hoàn thiện và phát triển các công trình nghiên cứu của mình.” bà chia sẻ.
Thấu hiểu được nhu cầu đó, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Đại học Coventry, Vươnq quốc Anh, các khóa học đã được tổ chức thành công tại ba thành phố với sự tham gia của gần 100 học viên. Thông qua khóa bồi dưỡng, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đã được củng cố và phát triển những kỹ năng nghiên cứu quan trọng và thực tế: kỹ năng viết và đăng tải bài báo chất lượng cao; kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trong nhóm nghiên cứu và với doanh nghiệp; kỹ năng viết đề xuất cho các dự án nghiên cứu; quản lý dự án nghiên cứu; chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp…
Với vai trò là một giảng viên, nghiên cứu viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Minh Châu thấu hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt thông qua kỹ năng nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên tham gia một khóa đào tạo chuyên về kỹ năng nghiên cứu, chị chia sẻ: “So với kì vọng ban đầu mình đưa ra thì mình rất hài lòng sau khi học xong khóa học này. Tôi được cung cấp một hệ thống kiến thức rất quan trọng, cốt lõi, làm sao để nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu. Cụ thể những khối kiến thức lớn tôi được cung cấp như khung năng lực nghiên cứu cho nhà nghiên cứu, hệ thống chỉ tiêu 5D để đánh giá là một nhà nghiên cứu xuất sắc, các kiến thức về chuyển giao công nghệ và đánh giá tác động nghiên cứu."
“Song song đó tôi được huấn luyện để làm tăng khả năng và kỹ năng trong nghiên cứu khoa học như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình hiệu quả, kĩ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề.” Chị Châu cho biết thêm. Chị cũng đánh giá rất cao những nỗ lực và các hoạt động do Hội đồng Anh tổ chức trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam.
Với những người đã từng tham dự nhiều khóa huấn luyện khác nhau nhưng vẫn chưa thành công trong việc xin tài trợ cho dự án như Tiến sỹ Đặng Việt Đài - Viện sinh thái học miền Nam, việc tham gia khóa học bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu lần này cũng là một trải nghiệm đặc biệt. Chị chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu làm nghiên cứu đến giờ, mình chưa từng một lần xin tài trợ thành công cho dự án của mình. Mình đến với khóa học với kỳ vọng được nâng cao kỹ năng viết proposal và xin tài trợ cho dự án. Và mình đã không phải thất vọng. Kết thúc khóa học mình đã có một ý tưởng cụ thể để đạt được mục tiêu và lập kế hoạch để xây dựng proposal trong thời gian tới."
Các khóa bồi dưỡng đã khép lại nhưng những dư âm tích cực tới các nhà nghiên cứu trẻ mới chỉ bắt đầu. Tiếp nối thành công của các khóa học này, 15 nhà nghiên cứu xuất sắc sẽ được lựa chọn để tham dự khóa học ngắn hạn tại Vương quốc Anh và trở lại Việt Nam để tiến hành các hoạt động huấn luyện cho các nhà nghiên cứu khác. Đây sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển bền vững của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đánh giá về vai trò của Hội đồng Anh thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu, anh Bùi Thanh Liêm – Viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Hội đồng Anh đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Về mặt khoa học, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có nền khoa học rất phát triển. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Hội đồng Anh đóng vai trò như một kênh kết nối để mang những kinh nghiệm, kỹ năng, định hướng phát triển từ Vương quốc Anh để tập huấn phát triển cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Đây sẽ là một định hướng rất tốt giúp cải thiện năng lực của các nhà nghiên cứu trong nước và nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu của Việt Nam để sánh ngang với các nước phát triển.”
Thông qua chương trình Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững, Hội đồng Anh mong muốn tiếp tục là cầu nối đưa những mô hình giảng dạy của Vương quốc Anh vào các chương trình và hoạt động đào tạo chuyên môn cho các nhóm mục tiêu bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nghiên cứu và các bên liên quan đến lĩnh vực đổi mới và sáng tạo tại Việt Nam. Từ đó giúp họ không chỉ phát triển kỹ năng mà còn mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.