“Trên đời này có 3 thứ mất đi mà không lấy lại được: tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua”. Tôi không hề hối tiếc những ngày tham gia khóa tập huấn Công dân tích cực vừa rồi bởi nó qua đi, nhưng đã lắng đọng lại trong tôi nhiều điều, mang tới cho tôi những trải nghiệm mới mẻ khiến bản thân trở nên trưởng thành hơn….
Thật sự thì tôi khá bất ngờ khi lần đầu gặp gỡ mọi người tại hội trường. Những đại biểu không chỉ từ Hà Nội như mình mà họ còn đến từ mọi vùng miền của Tổ quốc: từ Lào Cai, Điện Biên đến Lâm Đồng, Trà Vinh, Cà Mau… và hầu hết toàn là người lớn nên tính cách đã định hình rõ rệt, không lý tưởng như các chương trình khác chỉ có sinh viên, học sinh mà tôi tham gia trước đây.
Trong bốn ngày liên tiếp, chúng tôi đã cùng Tristan, chị Gấm, chị Ngà và anh Hiếu thảo luận, tiếp cận những kiến thức, phương pháp tư duy, làm việc mới. Phải nhấn mạnh là thảo luận, hay đúng hơn là chia sẻ bởi mọi thứ diễn ra rất mở và tự do, ai cũng có thể lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình, dường như mọi ranh giới địa vị, quốc tịch, tuổi tác đều xóa nhòa. Cách tiếp cận của chương trình làm tôi nhớ đến câu nói: “Nói với tôi và tôi sẽ quên. Dạy cho tôi thì tôi sẽ nhớ. Cho tôi tham gia thì tôi sẽ học” (Tell me and I forget. Teach me and I remember. Involve me and I learn) của Benjamin Franklin. Nó vô cùng mới mẻ, sáng tạo, khác hẳn với sự nhàm chán, thụ động của việc ngồi, nghe, chép như trước. Hơn nữa, ngay sau khi kết thúc mỗi buổi, nếu bình thường thì các giảng viên có thể về luôn, tuy vậy các anh chị vô cùng nhiệt tình, gần gũi, không chỉ giảng dạy, hướng dẫn tại hội trường mà còn tham gia các hoạt động giao lưu, gặp gỡ cùng mọi người sau chương trình.
Chính bản thân tôi, và có lẽ những bạn đại biểu khác, cũng cảm thấy bất ngờ với những câu hỏi tưởng chừng quá đỗi quen thuộc, như: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Tôi quan tâm đến cái gì? Nhưng rõ ràng đây là những câu hỏi rất quan trọng đối với mỗi cá nhân và ngẫm ra thì không dễ trả lời một chút nào. Nhưng một khi đã nghe, đã phải trả lời những câu hỏi này thì mỗi người sẽ xác định bản thân rõ ràng hơn, để rồi từ đó phần nào nhận ra mục đích sống, làm việc, ắt hẳn sẽ lưu dấu ít nhiều, ở một bước rẽ rất quan trọng trong cuộc đời của họ. Rồi những trò chơi tập thể, những cuộc nói chuyện giữa 2, 4, 16 người với những tiếng cười, những chia sẻ chân thành mà đọng lại trong mọi người những điều vô giá. Từ “dòng sông Công dân tích cực” với 5 khúc sông như quá trình tiếp thu, học hỏi của mỗi người, “lắng nghe ở 3 cấp độ” với kỹ năng nghe hiểu để nắm bắt được tính đa chiều trong mỗi câu chuyện cho đến “tam giác hệ thống” ta nhận ra chỉ với một hành động nhỏ, nếu tác động đến đúng đối tượng cũng có thể tạo ra ảnh hưởng, thay đổi đến cả cộng đồng…..
Những đại biểu, hay đúng hơn là học viên tham gia thì cũng đặc biệt không kém. Tôi vẫn nhớ chị gái đến từ Phú Thọ xinh xắn, nhỏ nhẹ mà vô cùng lém lỉnh; anh đến từ ngành công an thì vô cùng chững chạc, ăn nói gọn gẽ, chị đến từ Vĩnh Phúc thì sắc sảo, mạnh mẽ khả năng thuyết trình cực tốt, chị gái Quảng Trị trông nhỏ nhắn vậy mà vô cùng năng nổ với các hoạt động tình nguyện, các anh người miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ thì vui tính, giọng nói ngọt ngào, dễ nghe… những con người ấy vô cùng khác biệt từ hoàn cảnh, ngoại hình đến tính cách, suy nghĩ… được trò chuyện, giao lưu với các anh chị, tôi nhận ra trong họ vẫn luôn cháy bỏng nhiệt huyết với cồng đồng. Họ là những con người thực, đến từ mọi nơi của Tổ quốc với những câu chuyện, chia sẻ khác nhau, đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe giới thiệu và tìm hiểu về vấn đề của địa phương như thế, từ cuộc sống của họ ở nơi gần biên giới thì thế nào đến việc họ đối phó với lũ, triều cường ra sao, tính cách người miền Nam khác người miền Bắc như thế nào… để từ đó, tôi biết rằng, đất nước Việt Nam nhỏ bé như vậy mà đã lại rộng lớn, đa dạng, vậy thì thế giới ngoài kia chắc hẳn còn muôn sắc muôn màu hơn nữa. Ta phải trân trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, suy nghĩ trên phương diện của người khác để hiểu họ chứ không áp đặt một cách máy móc cảm xúc, suy nghĩ của bản thân mình rồi đòi hỏi người khác cũng phải giống như vậy.
Chúng tôi nhận ra vấn đề của địa phương mình, nêu nó ra để rồi từ đó chia nhóm, cùng nhau chọn dự án mình quan tâm và sẽ thực hiện để giái quyết vấn đề. Đây chính là lúc mọi kỹ năng chúng tôi đã được học vận dụng hết sức. Trong đầu tôi đã chuẩn bị cho bản thân một vấn đề nhức nhối của xã hội, vô cùng tự tin khi trên lý thuyết, dự án này sẽ vô cùng ý nghĩa, tuy vậy trước những góp ý, phân tích của các anh chị tôi chợt nhận ra nó vẫn chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn mơ hồ và lý tưởng hóa. Được gặp gỡ, nói chuyện, làm việc với những con người ấy, tôi đã học thêm nhiều điều trong lãnh đạo cũng như suy nghĩ thực tế hơn. tôi thấy mình thật may mắn
Hôm cuối cùng, trước lúc tổng kết chương trình, tất cả ngồi xuống, những số điện thoại, những cái email, cái tên trên Facebook được truyền tay nhau… vừa là sợi dây gắn kết mọi người trong những hoạt động tương lai, vừa là sợi dây gắn kết tình cảm bạn bè, những người cùng chung nhiệt huyết. Trước khi tham gia chương trình, tôi vẫn cảm thấy còn lạc hướng, lung lay, phân vân với câu hỏi tôi là ai nhưng bây giờ, tôi đã có cái nhìn thực tế hơn, tỉnh táo hơn, nhiều kiến thức cao và sâu hơn và cũng có những mối liên hệ quan trọng đến tận bây giờ. Tôi quay trở lại tiếp tục với trường lớp và công việc hỗ trợ dự án xã hội cho đối tượng khó khăn, sắp tới có lẽ tôi cùng các anh chị sẽ áp dụng mô hình này đến với những bạn cán bộ Đoàn ở các tỉnh thành trên Tổ quốc. Vô cùng hạnh phúc khi nhận ra tôi đã là thành viên của một gia đình mới, chúng tôi tự hào là thế hệ F1 của chương trình, thầm hiểu với những kiến thức và sự sáng tạo của bản thân, phải chung tay giải quyết các vấn đề cộng đồng tại địa phương nói chung, rồi từ đó lan tỏa khắp Việt Nam. Hy vọng không chỉ chúng tôi, mà những công dân tích cực khác trong tương lai, sẽ tiếp tục truyền được những ngọn lửa tuổi trẻ cho sinh viên, cùng tạo được giá trị cho nhau, và cả niềm tin nữa. Niềm tin vào bản thân, tri thức, hành động, sự nỗ lực không ngừng, và niềm tin vào một sự kết nối cho tương lai. Tôi rất mong chương trình tập huấn tiếp tục được tổ chức để mạng lưới Công dân tích cực càng được nhân rộng, nhiều con người nữa được thay đổi khiến xã hội trở nên tốt đẹp hơn, phát triển bền vững.
Chú thích ảnh: Hoa (đeo kính) đang thảo luận với các bạn học viên