Tiết mục văn nghệ của ba nghệ sỹ khiếm thị đến từ Dàn hợp ca Hy Vọng tại buổi ra mắt (từ trái-sang phải: Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Thị Trinh). Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cung cấp.

Ngày 13/07/2022, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ ra mắt dự án Phát triển mô hình nhóm hoạt động giáo viên (TAGs) nhằm nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên thông qua các phương thức, phương tiện truyền thông và ranh giới ngôn ngữ với các nguồn tài nguyên sáng tạo, dựa trên nghệ thuật (thời gian thực hiện dự án từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023). Đây là dự án hợp tác sáng tạo do hai nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Glasgow (Vương quốc Anh) bao gồm Tiến sĩ Lavinia Hirsu, Tiến sĩ Julie McAdam, Giáo sư Evelyn Arizpe và Dobrochna Futro, và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) bao gồm GS. Lê Anh Vinh, bà Nguyễn Ngọc Ánh, bà Trần Mỹ Ngọc, bà Bùi Thị Diên cùng với sự hỗ trợ của các lãnh đạo và chuyên viên Tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo tại ba tỉnh: Bắc Ninh (Ông Nguyễn Hữu Bình, Bà Nguyễn Thị Hải); Quảng Ninh (Ông Nguyễn Văn Tuệ, Bà Bùi Thị Ngọc Tuyền); Ninh Thuận (Ông Nguyễn Văn Linh, Bà Lê Thụy Ngọc Vân).

Dự án thu hút 360 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, 36 trợ giảng và 18 nghệ sĩ địa phương để cùng phát triển các thực tiễn sáng tạo đổi mới trong giảng dạy tiếng Anh. Dự án dựa trên mô hình Nhóm hoạt động giáo viên (TAGs), được xây dựng và đã thử nghiệm qua một loạt các chương trình quốc tế khác do Hội đồng Anh điều phối. TAGs là các cộng đồng thực hành quy mô nhỏ được xây dựng dựa trên sự hợp tác, hỗ trợ từ các đồng nghiệp và các nguồn lực sáng tạo.

Cùng là thành viên của dự án hiện tại, các giáo viên và nghệ sĩ sẽ chia sẻ kiến thức, phát triển các phương pháp sư phạm mới và làm việc với học sinh theo những cách sáng tạo để hỗ trợ việc học tiếng Anh trong bối cảnh đa ngôn ngữ. Dự án được xây dựng dựa trên kiến thức chuyên môn được đúc kết từ những dự án hợp tác trước đây với các nghệ sĩ và giáo viên ở Glasgow và Kazakhstan (tìm hiểu dự án  của chúng tôi để biết thêm chi tiết).

Mở đầu lễ khai mạc, Tiến sĩ Lavinia Hirsu, giảng viên chính tại Đại học Glasgow và bà Nguyễn Ngọc Ánh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu tiết mục văn nghệ trực tuyến của ba nghệ sĩ khiếm thị đến từ Dàn hợp ca Hy vọng. Đoàn biểu diễn hai ca khúc 'Những cô gái trên quê hương Quan họ' do nhạc sỹ Phó Đức Phương sáng tác (Nguyễn Thị Trinh biểu diễn) và ca khúc 'I have a dream' của ban nhạc Abba (Trần Quốc Hoàn và Nguyễn Thị Trinh biểu diễn), tiếp theo là hòa tấu ba bài dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam do Trần Quốc Hoàn (Đàn bầu) và Nguyễn Văn Linh (Sáo) thể hiện. Các tiết mục biểu diễn của ba nghệ sĩ khiếm thị đến từ Dàn Hợp ca Hy vọng đã truyền cảm hứng cho người tham gia bằng tài năng, tình yêu âm nhạc, sự sáng tạo và sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin của mình để giao tiếp và kết nối với cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN đã biểu dương sự tham gia tích cực của các giáo viên, các nghệ sĩ, các bạn trợ giảng đã tham dự buổi ra mắt giữa lúc cao điểm của mùa thi kết thúc năm học. GS Lê Anh Vinh cũng giới thiệu sơ lược về hoạt động của Viện, tiến độ của dự án cho đến nay, và bày tỏ hy vọng rằng những người thụ hưởng dự án là giáo viên, trợ giảng và học sinh sẽ được tiếp thu những khía cạnh đổi mới và sáng tạo trong việc học ngoại ngữ.

Tiếp theo, Ông Davide Guarini Gilmartin, Quản lý học thuật của Hội đồng Anh giới thiệu về hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam cũng như dự án Phát triển Năng lực của Giáo viên để Giảng dạy tiếng Anh qua các Phương thức, Phương tiện và các Ranh giới Ngôn ngữ cùng với các Tài nguyên Dựa trên Cơ sở Sáng tạo và Nghệ thuật nằm trong tổng số năm dự án TAGs do Hội đồng Anh tài trợ và thực hiện tại 11 tỉnh thành của Việt Nam. Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về mô hình phát triển các nhóm hoạt động giáo viên (TAGs), nhận xét của giáo viên và các tài nguyên có sẵn lại link trực tuyến.

Tiến sĩ Lavinia Hirsu và bà Nguyễn Ngọc Ánh đã giới thiệu chi tiết về nội dung dự án, nhấn mạnh việc kết hợp sử dụng các nguồn tài nguyên sáng tạo, có tính nghệ thuật để hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy ngôn ngữ là một cách tiếp cận mới mẻ, tăng cường hợp tác, thể hiện một quan điểm toàn diện về việc học và giảng dạy ngôn ngữ. Sự tham gia của các nghệ sĩ vào các hoạt động của dự án tạo thêm một khía cạnh độc đáo trong việc tăng cường cơ hội phát triển chuyên môn. Điều này sẽ đảm bảo rằng việc học ngôn ngữ được thực hiện trong trường học có sự kết nối với nghệ thuật địa phương và góp phần bảo tồn các di sản văn hóa. 

Sự kiện ra mắt đã kết thúc gửi đến tất cả mọi người thông điệp về các giá trị cốt lõi của dự án đó là lòng biết ơn (appreciation), sự tôn trọng (respect) và tính can đảm (courage). Chúng tôi hy vọng rằng những giá trị này sẽ khuyến khích tất cả mọi người tham gia dự án cùng nhau khám phá kiến thức, văn hóa địa phương và các nguồn lực để làm phong phú thêm việc giảng dạy và mở rộng tầm nhìn sáng tạo và đổi mới của họ.

Tác giả Tiến sỹ Lavinia Hirsu (Đại học Glasgow) và bà Nguyễn Ngọc Ánh (VNIES)