Tôi vừa mới trở về sau những ngày làm việc tuyệt vời tại Việt Nam với vai trò làm giảng viên và cố vấn hỗ trợ cho chung kết cuộc thi Tăng quyền năng phụ nữ mà tôi đã tham gia từ những ngày đầu khởi động của dự án vào tháng 10 năm 2013. Dự án do Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phục vụ Cộng đồng đồng tổ chức. 17 đội sinh viên đến từ các trường đại học trên mọi miền của Việt Nam đã tụ hội với nhau trong hai ngày 10-11 tháng 5 năm 2014 tại khách sạn La Thành, Hà Nội. Sự nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng của các em đã được lan tỏa trong suốt hai ngày hội trại. Những bạn sinh viên trẻ đã mang tới hội trại những sáng kiến giải quyết các vấn đề xã hội trong nhiều lĩnh vực đa dạng như giúp đỡ những phụ nữ phải chạy thận nhưng không có khả năng trang trải viện phí hay những phụ nữ nghèo ở các vùng nông thôn và những người phụ nữ bán hàng rong với mức thu nhập không đủ sống. Nhiều bạn trong các bạn sinh viên này có người thân bị phân biệt đối xử bởi tiền sử nghiện hút hoặc từng phạm tội, nhiều bạn đã tham gia giúp đỡ nhóm người yếu thế như phụ nữ khiếm thính không thể tìm được công việc vì khuyết tật của mình. Các bạn sinh viên tham gia cuộc thi với chính những câu chuyện có thật và cũng đã phải nghiên cứu các số liệu thống kê để hỗ trợ cho ý tưởng của mình.
Tất cả các bạn sinh viên đã nắm bắt được những kiến thức để phát triển một mô hình kinh doanh thông qua hướng tiếp cận của doanh nghiệp xã hội để giải quyết các vấn đề; trong số ấy có những kế hoạch kinh doanh xuất sắc và đa số các dự án bước đầu đã được triển khai thành công. Một số trong các dự án xuất sắc này nhằm giúp đỡ phụ nữ khuyết tật nâng mức thu nhập thông qua sản xuất mặt hàng bắt mắt và phương thức tiếp cận thị trường hoặc tạo ra công việc ở các khu vực nông thôn thông qua cung cấp trại hè vào cuối tuần cho trẻ em thành thị. Lần đầu nghe bài trình bày của các bạn sinh viên tôi nhận thấy các em chưa thể hiện được niềm đam mê giúp các em hình thành ý tưởng. Các em gặp khó khăn trong việc lồng ghép các giá trị xã hội mà các em đang tạo ra với mô hình kinh doanh khi các em chỉ có trung bình năm phút để trình bày 45 trang trình chiếu. Sau một ngày tập huấn kĩ năng thuyết trình, các em đã rất cố gắng rút ngắn số lượng trang trình chiếu, tìm kiếm những câu chuyện thực tế mà có thể vẽ nên một bức tranh cụ thể cho ban giám khảo và làm việc nỗ lực tìm ra những thông điệp quan trọng. Cả sáu giám khảo và năm chuyên gia tư vấn trong đó có tôi đều thấy vô cùng ấn tượng trong buổi thuyết trình chung kết. Các em sinh viên đã vượt qua được chính mình. Tất cả các nhóm đã đạt hạn mức năm phút trình bày và niềm đam mê khơi dậy những sáng kiến đã được làm nổi bật và rõ ràng khi tôi được cô phiên dịch dịch thầm lại bằng tiếng Anh.
Hội đồng chấm thi đã chọn ra được mười đội thắng cuộc sau cuộc thảo luận khá căng thẳng nhưng đã đạt được sự đồng thuận của cả chín thành viên trong Ban Giám khảo. Trong trường hợp nếu chỉ có một vài dự án được triển khai thì cũng có thể cải thiện đáng kể sự bình đẳng giới ở Việt Nam. Các đội thắng cuộc sẽ được nhận sáu tháng hỗ trợ kinh doanh và tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp để hình thành các doanh nghiệp xã hội. Cảm ơn sự tài trợ của tập đoàn nước giải khát Diageo Việt nam đã hỗ trợ một phần cho dự án này. Tôi rất mong được tiếp tục cập nhật về tiến trình thực hiện các ý tưởng này của các em sinh viên. Một phần của giải thưởng cho 10 ý tưởng hay nhất là một chuyến thăm quan hai doanh nghiệp xã hội tại Mai Châu, phía Tây Bắc Việt Nam. Hiển nhiên là sau những ngày làm việc cuối tuần vất vả và những bữa tiệc ăn mừng sau đó, các bạn sinh viên đã tận dụng được tối đa những giây phút nghỉ ngơi với dân bản tại Mai châu!
Thật là tuyệt vời khi được trải nghiệm hai ngày tìm hiểu về mô hình doanh nghiệp xã hội ở vùng du lịch của người dân thiểu số cũng như tới thăm Hoa Ban, nơi người sáng lập ra doanh nghiệp đã cống hiến suốt 18 năm để phát triển kinh doanh đồ thủ công với nhân công là phụ nữ khuyết tật ở vùng núi này. Rất nhiều trong số các chị đã phát triển được doanh nghiệp của riêng mình nâng cao mức thu nhập và sự tự tin của chính họ. Tôi rất vui khi được nói chuyện và lắng nghe các câu chuyện về việc họ cảm thấy rất biết ơn cơ hội họ đã có được. Tôi cũng cảm thấy rất thú vị khi nhận thấy sự đối lập giữa doanh nghiệp xã hội Hoa Ban với một cửa hàng bán hàng lưu niệm chuyên nghiệp và sáng sủa trên đường từ Hà Nội đi Hạ Long, nơi cũng tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng lại không cho phép chụp hình, nói chuyện với họ cũng như không hề nhận thấy có chút đam mê hay tình cảm gì. Hoa Ban có thể không hào nhoáng hay chuyên nghiệp nhưng giá trị xã hội đã rất lớn lao và tỏa sáng.
Tôi cũng cảm thấy rất ấn tượng khi được chứng kiến những bạn sinh viên trẻ đến từ thành thị khám phá cây lúa đang trổ bông trên các cánh đồng dọc đường đi. Một trải nghiệm mới mẻ đối với các em!
Việt Nam là một nơi đáng để ghé thăm, bạn có thể tìm hiểu về những chuyến thăm quan truyền thống tới Hà Nội, Hạ Long và thành phố Hồ Chí Minh tại trang thông tin sau http://bloommv.org
Kate Welch, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Acumen CIC từ Vương quốc Anh
Giảng viên của Chương trình Chuyển động 50/50 - Khởi sự kinh doanh - Tăng quyền năng phụ nữ