Tối qua, 12/06/2018, buổi lễ khai mạc Triển lãm Cuộc thi Thủ công và Thiết kế đã chính thức diễn ra tại không gian của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. Kéo dài từ ngày 12 đến 30 tháng Sáu 2018, triển lãm sẽ giới thiệu kết quả làm việc của 20 nhà thiết kế trẻ và chủ sở hữu doanh nghiệp đã tham gia vào Cuộc thi Thủ công và Thiết kế do Hội đồng Anh khởi xướng vào cuối năm 2017.
Cũng trong buổi lễ khai mạc, ba dự án xuất sắc nhất của Cuộc thi Thủ công và Thiết kế 2017 đã được công bố:
- Giải Nhất: Vì Thị Thu Trang – Dự án: Indie Hand
- Giải Nhì: Nguyễn Hoàng Huy – Dự án: Viet Collection
- Giải Ba: Nguyễn Song Thanh Trâm – Dự án: Hoa mộc
Với giải thưởng của cuộc thi trị giá 60.000.000 đồng, 50.000.000 đồng và 40.000.000 đồng cho ba giải Nhất, Nhì, Ba, Ban tổ chức hy vọng số tiền thưởng sẽ như một nguồn vốn nhỏ để các thí sinh đạt giải có thể hiện thực hóa được các dự án của mình và Hội đồng Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ các thí sinh đạt giải thực hiện các dự án sau cuộc thi này.
Kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và thiết kế đương đại, các sản phẩm và dự án của cuộc thi Thủ công và Thiết kế được trưng bày thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ là những đề xuất sáng tạo và bền vững nhằm bảo tồn và phát triển các ngành thủ công truyền thống của Việt Nam. Đây cũng chính là ý tưởng then chốt của dự án cùng tên Crafting Futures – Câu chuyện tương lai của Thủ công truyền thống mà Hội đồng Anh đang thực hiện và triển khai trên toàn cầu.
Không giống với những cuộc thi thông thường, thí sinh của cuộc thi Thủ công và Thiết kế đã trải qua hai hoạt động nâng cao năng lực trước khi gửi các sản phẩm, dự án mới và kế hoạch kinh doanh dự thi tới ban tổ chức. Hoạt động đầu tiên là chuỗi hội thảo phát triển chuyên môn, trong đó các thí sinh đã được cung cấp kiến thức và kĩ năng thực tiễn trong lĩnh vực thủ công, thiết kế cũng như lên kế hoạch kinh doanh. Chủ đề của chuỗi hội thảo này rất đa dạng bao gồm ‘Sáng tạo thiết kế mới’ do Khoa Kinh doanh, Đại học Leicester thực hiện, 'Quy trình và cách thức thiết kế' của Work Room Four, 'Thực hành Thiết kế và Kinh doanh' của Kilomet109 và 'Khóa tập huấn Doanh nhân sáng tạo' do NESTA (tổ chức hàng đầu Vương quốc Anh về Kinh doanh Sáng tạo) thực hiện. Hoạt động thứ hai diễn ra ngay sau chuỗi hội thảo này là chương trình lưu trú thực địa với sự hỗ trợ từ Viên Nghiên Cứu các ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), qua đó các thí sinh có cơ hội làm việc trực tiếp với cộng đồng phụ nữ sản xuất thủ công, hướng dẫn họ về phát triển sản phẩm, đồng thời học hỏi những kỹ thuật thủ công truyền thống. Thí sinh Đỗ Cúc chia sẻ ‘Tại tổ hợp tác trồng lanh và thổ cẩm Tả Phìn, nhóm chúng tôi được học hỏi từ nhóm các chị em phụ nữ thợ thủ công quy trình trồng cây lanh và làm ra một tấm vải lanh. Đặc trưng của người Mông là thêu và vẽ sáp ong nhuộm chàm, và có gần đến 50 bước để ra được một tấm vải lanh hoàn chỉnh; và trong ba ngày chúng tôi được trải nghiệm tất cả những kỹ năng đó, trước khi ứng dụng vào các thiết kế mới của mình.’
Thông qua triển lãm, người xem sẽ có thể hình dung được kết quả của quá trình sáng tạo sản phẩm của các nhà thiết kế, sau khi họ có được những trải nghiệm thực tế và những kỹ năng phát triển kinh doanh được trang bị khi tham gia cuộc thi. Những ý tưởng được trưng bày tại triển lãm thể hiện mối quan tâm đặc biệt của các thí sinh tới việc nâng cao giá trị của những sản phẩm thủ công cũng như cộng đồng các nghệ nhân làm thủ công thông qua các thiết kế đương đại và mang tính ứng dụng cao.
Giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1.6 tỷ USD. Các sản phẩm của các nhóm dân tộc thiểu số ở hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam hiếm khi được xuất sang các thị trường xuất khẩu trên các kênh chính thức, mà phần lớn được bán làm quà lưu niệm giá rẻ cho khách du lịch.
'Vấn đề chính mà dự án Crafting Futures tìm cách giải quyết là sinh kế bền vững và gắn chặt chẽ sinh kế này với cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Cuộc thi Thủ công và Thiết kế tại Việt Nam đã góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề này thông qua việc thúc đẩy cách tiếp cận sáng tạo, bền vững và có đạo đức cũng như phát triển kinh doanh trong ngành thủ công và thiết kế cũng như tăng cường hợp tác giữa các nhà thiết kế và các nghệ nhân.', Delphine Pawlik, Giám đốc các chương trình Văn hóa và Phát triển, Hội đồng Anh khu vực Đông và Nam Á.
Hội đồng Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2018, chúng tôi đánh dấu 25 năm hoạt động tại Việt Nam với chuỗi sự kiện kỷ niệm quan hệ và trao đổi văn hóa giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.