Thứ Năm 09 Tháng Chín 2021

 

Báo cáo của Hội đồng Anh nêu rõ nhu cầu cấp thiết để thanh niên tham gia vào chính sách biến đổi khí hậu

  • 75% thanh niên trên khắp thế giới cho biết họ có kỹ năng đối phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng của họ - nhưng 69% chưa bao giờ tham gia hành động vì khí hậu.
  • Lo ngại rằng tiếng nói của phụ nữ và các nhóm thiểu số bị bỏ qua trong chính sách biến đổi khí hậu hiện nay.
  • 67% thanh niên cảm thấy các nhà lãnh đạo không thể một mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
  • Đồng thuận chung là kêu gọi để những người trẻ được tham gia vào quá trình ra quyết định chính sách.
  • Giới trẻ Việt Nam coi biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất và chưa từng có đối với thế giới và tin rằng những nỗ lực đồng hành của họ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
  • Việc tăng cường sự tham gia của thế hệ trẻ vào các quyết định chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và các hoạt động vận động chính sách thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên, phù hợp với thanh niên cùng các bên liên quan, sử dụng nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận và thu hút thanh niên tham gia hành động khí hậu, khuyến khích các sáng kiến và kế hoạch thực tiễn tốt nhất về hành động khí hậu và trao quyền cho các hoạt động do thanh niên lãnh đạo đang được giới trẻ Việt Nam kêu gọi một cách cấp thiết.

Báo cáo của Hội đồng Anh công bố ngày 9 tháng Chín đã chỉ ra rằng thế hệ trẻ trên khắp thế giới đều đồng ý rằng:biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với hành tinh, tuy nhiên rất nhiều người vẫn còn gặp khó khăn trong việc tham gia hành động và nói lên quan điểm của mình.

Báo cáo Tuyên bố chung Thanh niên Toàn cầu hành động vì khí hậu đã khảo sát hơn 8000 thanh niên trong độ tuổi 18–35 từ 23 quốc gia - bao gồm Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Kenya và Vương quốc Anh - về quan điểm của họ về vấn đề biến đổi khí hậu. Báo cáo này đã nêu lên được tiếng nói đồng lòng vô cùng mạnh mẽ của những người trẻ về biến đổi khí hậu trên tất cả 23 quốc gia.

Nghiên cứu trên là một phần của chương trình Kết nối Khí hậu của Hội đồng Anh, nhằm đưa mọi người trên khắp thế giới lại với nhau để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu.

25% thanh niên được khảo sát đến từ các vùng nông thôn khó tiếp cận hơn, và 75% đến từ các khu vực thành thị. 55% người được khảo sát là nữ giới. Báo cáo cũng nhận được phản hồi từ các nhóm yếu thế như thanh niên khuyết tật, và những người thuộc dân tộc thiểu số và cộng đồng bản địa.

67% thanh niên cảm thấy rằng các nhà lãnh đạo đất nước của họ không thể tự mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Họ bày tỏ lo ngại rằng tiếng nói của phụ nữ và các nhóm thiểu số không được phản ánh trong chính sách về biến đổi khí hậu hiện nay.

Báo cáo nêu lên lời kêu gọi mạnh mẽ: những người trẻ nên được tham gia vào quá trình quyết định chính sách. Thế hệ trẻ hiện nay cảm thấy rằng họ có thể phát triển được các ý tưởng sáng tạo hơn, có phạm vi tiếp cận rộng rãi hơn, hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nội dung trong báo cáo nhấn mạnh yêu cầu rõ ràng dành cho các nhà hoạch định chính sách là họ phải khơi dậy niềm đam mê và nhiệt huyết cho những người trẻ tuổi một cách thực tế và có hệ thống hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù những người trẻ tuổi sẵn sàng và mong muốn có những đóng góp có ý nghĩa, nhưng nhiều người lại thiếu cơ hội để làm điều đó. 75% thanh niên cho biết họ có kỹ năng đối phó với các vấn đề khí hậu trong cộng đồng của mình và 63% nói rằng họ biết về Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26). Tuy nhiên, 69% trả lời rằng họ chưa bao giờ tham gia hành động biến đổi khí hậu.

Một số rào cản đối với sự tham gia của thanh niên trong hành động vì khí hậu bao gồm khả năng tiếp cận kỹ thuật số hạn chế, sự phân cấp trong văn hóa xã hội không cho phép người trẻ được tham gia và sự thiếu hụt cơ hội tiếp cận đào tạo và phát triển kỹ năng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò và tiềm năng của các mạng xã hội như một công cụ để những người trẻ tuổi đối phó với biến đổi khí hậu, mặc dù chúng ta vẫn cần xem xét thêm về vấn đề 'khoảng cách kỹ thuật số' đối với một số người bị khó khăn trong việc truy cập Internet.

Bộ phận những người trẻ nhất trí coi mạng xã hội là một nền tảng quan trọng để chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu với bạn bè đồng trang lứa, đính chính lại những thông tin sai lệch và truyền cảm hứng đến những người xung quanh. Đối với những người trẻ ở vùng sâu vùng xa không có internet thì truyền hình và đài phát thanh vẫn có thể cung cấp cho họ thông tin về biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung của Thanh niên Toàn cầu Hành động vì Khí hậu (Global Youth Letter), được phát triển dựa trên kết quả của báo cáo, sẽ được ra mắt tại một sự kiện trực tuyến vào ngày 9 tháng Chín. Đăng ký tại đây để tham gia sự kiện ra mắt.

Việt Nam

Kinh nghiệm và nguyện vọng của 1200 thanh niên Việt Nam nói chung và 387 thanh niên Việt Nam ủng hộ hành động vì khí hậu đã được thu thập cho Báo cáo Tuyên bố chung Thanh niên Toàn cầu hành động vì khí hậu. Những kết quả này được tổng hợp từ Báo cáo Thế hệ Trẻ của Hội đồng Anh Việt Nam (2020) và Báo cáo đặc biệt của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc về “Thanh niên Hành động vì Môi trường ở Việt Nam’’ (2021).

Giống như thế hệ trẻ trên toàn cầu, thanh niên Việt Nam coi biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn chưa từng thấy đối với thế giới và tin rằng những nỗ lực chung sức của họ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Một vài khó khăn mà thanh niên Việt Nam đang phải đối mặt khi thực hiện các hành động có tác động đến khí hậu bao gồm sự thiếu nhận thức chung của thanh niên về các vấn đề biến đổi khí hậu, hạn chế về kỹ năng và công nghệ, thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính, gây quỹ, nghiên cứu và viết đề xuất tài trợ, cũng như sự giúp đỡ hạn chế của chính quyền địa phương, các nhà khoa học và ban giám hiệu nhà trường đối với các hoạt động do thanh niên lãnh đạo. Các nhóm thanh niên yếu thế như người dân tộc thiểu số và khuyết tật nhận thấy mình không được đại diện trong các hành động vì khí hậu của thanh niên do họ khó tiếp cận các cơ hội để nâng cao kỹ năng và xây dựng các dự án lâu dài.

Do đó, những người trẻ tuổi ở Việt Nam kêu gọi, tìm kiếm các cơ hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng của họ về các hành động khí hậu thông qua đào tạo chính thức với các bài học về khí hậu và khuyến khích việc tự học sử dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số. Họ hy vọng sẽ được thường xuyên tham gia vào các cuộc đối thoại phù hợp với thanh niên cùng chính phủ, cơ quan lập pháp, các bên liên quan và cộng đồng, để tiếp cận luật pháp và hỗ trợ tài chính cho các dự án do thanh niên lãnh đạo nhằm vào các vấn đề biến đổi khí hậu, để có nền tảng cởi mở và khuyến khích chia sẻ, tham gia vào các sáng kiến và thực hành tốt nhất về hành động khí hậu cũng như được trao quyền để đóng vai trò tích cực qua các hoạt động tình nguyện và công việc chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, thế hệ trẻ Việt Nam kêu gọi chính phủ, khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên chính phủ sử dụng các nền tảng xã hội để giao tiếp hiệu quả hơn với thanh niên. Những người trẻ tuổi ở Việt Nam mong muốn có sự nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy và trao quyền cho ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ hội việc làm xanh bền vững cho thanh niên.

Kết quả từ Báo cáo Thế hệ Trẻ của Hội đồng Anh Việt Nam (2020) và Báo cáo đặc biệt của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc về “Thanh niên Hành động vì Môi trường ở Việt Nam’’ (2021) đã được tham khảo để viết nên Tuyên bố chung của Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, một kế hoạch hành động được đề ra dựa trên nguyện vọng và kiến nghị của thế hệ trẻ Việt Nam vấn đề biến đổi khí hậu. Tuyên bố chung sẽ được chia sẻ trực tiếp tới các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo ở Việt Nam và toàn cầu, những người sẽ tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng Mười Một.

Các bạn trẻ hãy ký tên và cam kết vào Tuyên bố chung Thanh niên Toàn cầu hành động vì khí hậu cũng như Tuyên bố chung Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu . Bạn có thể bổ sung các khuyến nghị của mình cho các Tuyên bố chung qua đường link.

Tuyên bố chung của Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu được ra mắt tại sự kiện trực tuyến vào ngày 10 tháng Chín. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Thành đoàn Hà Nội, Mạng lưới Thanh niên hành động vì khí hậu và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế, với sự tham gia của các bên liên quan quan trọng trong hành động biến đổi khí hậu tại Việt Nam bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà vận động về biến đổi khí hậu lớn như: Ngài Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam; Giáo sư Marco Abbiati, Tùy viên Khoa học, Đại sứ quán Ý; Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng Đại diện - Trưởng ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam; đại diện Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ về môi trường có ảnh hưởng khác, các đại sứ thanh niên hành động vì khí hậu. Buổi ra mắt này bao gồm một loạt các cuộc đối thoại chính sách trực tiếp bao gồm thế hệ thanh niên, các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, các cơ quan khoa học và các tổ chức quốc tế với mô hình thảo luận cởi mở, trung thực: những người trẻ có thể lên tiếng và được lắng nghe về hành động biến đổi khí hậu. Mỗi cuộc đối thoại xoay quanh thảo luận giữa thanh niên và các bên liên quan quan trọng trong hành động vì khí hậu:

  •  Đối thoại số 1 (ngày 10 tháng Chín) – với các nhà hoạch định chính sách
  • Đối thoại số 2 (ngày 16 tháng Chín) – với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu
  • Đối thoại số 3 (ngày 23 tháng Chín) – với cộng đồng

Những kết quả từ ba cuộc đối thoại này sẽ cung cấp thêm dữ liệu, thông tin quan trọng cho các cuộc thảo luận đang diễn ra với các nhà hoạch định chính sách tại COP26. Hãy đăng ký tham gia với chúng tôi tại đây.

Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam, Bà Donna McGowan, cho biết: “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu của Hội đồng Anh cho thấy đó là ưu tiên số một của giới trẻ trên toàn thế giới. Tôi tự hào khi thấy những người trẻ Việt Nam ký tên vào Tuyên bố chung Thanh niên Toàn cầu hành động vì khí hậu, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động khẩn cấp. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đưa tiếng nói giới trẻ vào cuộc trò chuyện về biến đổi khí hậu”.

Phó Giám đốc Điều hành Hội đồng Anh toàn cầu, Bà Kate Ewart-Biggs cho biết: “Báo cáo của chúng tôi cho thấy tiềm năng chưa được khai thác của những người trẻ trên toàn thế giới trong hành động chống biến đổi khí hậu. Những người trẻ tuổi hôm nay là những nhà lãnh đạo và những người có ảnh hưởng trong tương lai và chúng ta cần phải tạo cơ hội để tiếng nói của họ được các nhà lãnh đạo chính phủ lắng nghe cũng như cho phép họ tham gia vào các quyết định chính sách mà sẽ ảnh hưởng đến chính tương lai của họ. Thông qua chiến dịch Kết nối Khí hậu của Hội đồng Anh, chúng tôi đang khai thác, sử dụng chuyên môn của mình trong giáo dục, nghệ thuật, trao đổi văn hóa và ngôn ngữ tiếng Anh để giúp những người trẻ tuổi tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho tình trạng khẩn cấp lớn nhất toàn cầu này.”

Vương quốc Anh sẽ tổ chức COP26 tại Glasgow, Scotland, từ ngày 1 đến ngày 12 tháng Mười Một. Hội đồng Anh đang ủng hộ kế hoạch của chính phủ Anh: phát triển COP26 toàn diện nhất từ trước đến nay bằng cách sử dụng mạng lưới toàn cầu của mình để thu hút hàng triệu người trên thế giới tham gia hành động chống lại biến đổi khí hậu.

Thông tin liên hệ cho báo chí

Mọi thắc mắc truyền thông, vui lòng liên hệ:

Trần Thị Hồng Gấm
Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê
Quận Tây Hồ
Hà Nội
Việt Nam
T +84 (0) 24 3728 1938
F +84 (0) 24 3843 4962
gam.tran@britishcouncil.org.vn

Để tìm hiểu thêm về Chương trình Kết nối Khí hậu, vui lòng truy cập: https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/ket-noi-vi-khi-hau

Giới thiệu về Báo cáo Tuyên bố chung Thanh niên Toàn cầu

Tuyên bố chung của Thanh niên Toàn cầu về Hành động vì Khí hậu là lời kêu gọi hành động từ những người trẻ trên toàn cầu, trực tiếp gửi đến các nhà lãnh đạo tham dự COP26 - Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26, tại Glasgow, tháng Mười Một năm 2021.

Bản tuyên bố này là kết quả của một cuộc nghiên cứu quy mô lớn giữa Hội đồng Anh và doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận Catalyst in Communities. Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận theo phương pháp hỗn hợp, bao gồm hình thức Crowdsourcing (tìm kiếm nguồn lực từ đám đông) để thu hút quan điểm, kinh nghiệm và nguyện vọng của 8.000 thanh niên trên 23 quốc gia.

Với mong muốn bao quát, đại diện được nhiều nhóm thành phần giới tính, bối cảnh, vị trí địa lý và tình trạng kinh tế xã hội nhất có thể, nhóm nghiên cứu đã làm việc bất chấp những hạn chế của đại dịch COVID-19 để khuếch đại những tiếng nói chưa được lắng nghe trong cuộc tranh luận về khí hậu: tiếng nói của giới trẻ ngày nay. Những nghiên cứu được thực hiện từ tháng Một tới tháng Ba năm 2021.

Tuyên bố chung của Thanh niên Toàn cầu về Hành động vì Khí hậu, cùng chiến dịch 8000 tiếng nói của Thanh niên Hành động vì Khí hậu, là một phần của chương trình Kết nối Khí hậu của Hội đồng Anh, một nền tảng toàn cầu để đối thoại, hợp tác và hành động, kết nối hàng triệu người thông qua các giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Những người trẻ tuổi là mục tiêu, lực lượng chính của phương pháp hợp tác này, vì chúng tôi hỗ trợ họ nêu lên tiếng nói của mình, đồng thời có được các kỹ năng, mối quan hệ để tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa và mang lại thay đổi thiết thực cho thế giới. 

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi xây dựng các kết nối, sự hiểu biết và tin tưởng giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác thông qua nghệ thuật và văn hoá, giáo dục và ngôn ngữ tiếng Anh. Năm trước, chúng tôi đã kết nối trực tiếp với 80 triệu người và kết nối với 791 triệu người thông qua các kênh trực tuyến, các chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm. Được thành lập năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, hoạt động theo Hiến chương Hoàng gia Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Chính phủ Anh tài trợ 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org