Thứ Sáu 22 Tháng Một 2016

Đổi mới giáo dục phổ thông: ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, kỹ năng chuyên sâu và STEM

90 giáo viên và lãnh đạo trường học bậc THCS hôm nay đã khởi động khóa tập huấn đặc biệt do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh và Microsoft thực hiện tại Hà Nội. 

Khóa tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động trong giai đoạn 2016-2017 của Bộ GDĐT về thí điểm các phương pháp tiếp cận giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, khuyến khích trải nghiệm và sáng tạo. Hợp tác 3 bên lần này nhằm tập hợp kinh nghiệm quốc tế của Microsoft và Hội đồng Anh trong việc tổ chức trường học kiểu mới với định hướng tối ưu hóa ứng dụng CNTT làm nền tảng cho dạy học dự án, phát triển kỹ năng chuyên sâu thế kỷ 21 và dạy học tích hợp Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán” (gọi tắt là STEM) trong khung chương trình đào tạo quốc gia do Bộ quy định. Chuyên gia của chương trình sẽ kết hợp cùng các trường tham gia thí điểm hiện thực hóa các phương pháp giáo dục mới trong thực tế hoạt động cụ thể trong học kỳ 2 tới.

Khóa học cung cấp cho giáo viên và cán bộ quản lý bậc trung học cách nhìn mới về ứng dụng CNTT và cách tận dụng tối đa khả năng của CNTT như một nền tảng thống nhất để kết nối và hiện đại hóa cách quản lý, phương thức truyền đạt kiến thức, tạo điều kiện khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy khóa học “Ứng dụng CNTT có hiệu quả trong giảng dạy” (TwT – Teaching with Technology), bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo của Microsoft, đã giới thiệu các công cụ công nghệ phục vụ giảng dạy, như phương pháp thiết kế bài giảng mang tính mang tính tương tác cao thay vì chỉ trình chiếu nội dung bài học, giải pháp về chia sẻ và kết nối giữa giáo viên với học sinh và gia đình, công cụ quản lý công việc và tài liệu với khả năng kết hợp cao, lồng ghép các công cụ CNTT phục vụ dạy học theo dự án. 

Một nội dung quan trọng khác của khóa tập huấn là xây dựng mô hình giáo dục để phát triển những kỹ năng học tập chuyên sâu trong thế kỷ 21 và các kỹ năng sống trong môi trường kinh tế toàn cầu cho học sinh trung học. “Kỹ năng học tập chuyên sâu thế kỷ 21” là chương trình được Hội đồng Anh xây dựng dựa trên các phương pháp sư phạm chuyên sâu, các kỹ năng chuyển đổi của UNESCO và sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế về trường học. Kỹ năng học tập chuyên sâu bao gồm sáu nhóm cơ bản: Tư duy phê phán và Giải quyết vấn đề, Hợp tác và Giao tiếp, Sáng tạo và Tưởng tượng, Tinh thần công dân, Hiểu biết và sử dụng công nghệ số và Lãnh đạo tuổi học sinh. 

Đặc biệt, khóa tập huấn giới thiệu khái niệm mới “STEM”. Mục đích của STEM là thu hút học sinh tăng cường giải quyết vấn đề trong đời sống thực bằng cách áp dụng những kiến thức, hiểu biết và kỹ năng từ các môn này. Tại nhiều quốc gia và tiêu biểu là Vương quốc Anh, việc áp dụng STEM trong chương trình đào tạo nhằm tạo thêm động lực cho học sinh trong các môn học này. Bên cạnh kết quả học tập, STEM hướng tới mục tiêu cao hơn là định hướng cho học sinh yêu thích và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Từ Vương quốc Anh, Giáo sư Mark Windale là chuyên gia giáo dục STEM từ Đại học Sheffield Hallam. Ông đã tham gia gần 30 dự án quốc gia tại Anh về đổi mới chương trình giáo dục khoa học và phát triển chuyên nghiệp, ông cũng là thành viên Hiệp hội Châu Âu dành cho các Nhà giáo dục trong lĩnh vực Công nghệ (European Association for Educators in Technology).

Trong bài trình bày về STEM cho giáo viên, ông đã giới thiệu sáng kiến “Đại sứ STEM” và “Câu lạc bộ STEM”. Giáo sư Mark Windale đã công bố một thống kế tại Anh, cho thấy các môn học STEM nằm trong nhóm gây ít hứng thú nhất cho học sinh lớp 7 và lớp 9, trong khi các em rất hào hứng với môn thể thao và nghệ thuật. Theo ông, từ kinh nghiệm triển khai STEM tại Anh và nhiều nước như Thái Lan và Malaysia, chiến lược đưa STEM vào hệ thống giáo dục cần là sự kết hợp của các bộ ngành, hệ thống giáo dục đại học, khối doanh nghiệp và các trường phổ thông ứng dụng STEM trong chương trình đào tạo.

Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh nói: “Hội đồng Anh hân hạnh được đồng tổ chức chương trình tập huấn cho giáo viên và nhà lãnh đạo giáo dục THCS và mang tới hai nội dung quan trọng: kỹ năng chuyên sâu của thế kỷ 21 và STEM.

“Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, với những sáng kiến độc đáo về ứng dụng đổi mới trong giáo dục. Qua khóa tập huấn này, chúng tôi hi vọng các nhà lãnh đạo giáo dục và giáo viên THCS tại Việt Nam sẽ cùng nhìn nhận giá trị mà STEM mang lại, trong đó bao gồm việc đào tạo một thế hệ tương lai có niềm đam mê với sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán.

“Bên cạnh niềm đam mê và kiến thức chuyên môn, chúng tôi tin rằng các bạn trẻ cần và xứng đáng có những cơ hội trở thành công dân sáng tạo và toàn diện về kỹ năng sống, để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Các dự án về trường học của Hội đồng Anh trực tiếp giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng sống. Thông qua việc đóng góp vào các diễn đàn giáo dục, phát triển hệ thống và hỗ trợ cho giáo viên và lãnh đạo giáo dục, chúng tôi mang tới Việt Nam những điển hình kinh nghiệm và tư duy mới mẻ toàn cầu. Hội đồng Anh tin tưởng đây là cách hiệu quả nhất để đầu tư cho tương lai của Việt Nam và của thế giới.”

Bà Trần Yên Định, Giám đốc khối Giáo dục Microsoft chia sẻ: “Sáng kiến xây dựng chương trình hợp tác 3 bên – Bộ GDĐT, Microsoft Việt Nam và Hội đồng Anh – trong đổi mới phương pháp quản lý và các hoạt động giáo dục tại trường học thông qua ứng dụng CNTT và STEM thực sự là một các tiếp cận mới trong việc đưa chủ chương vào thực tế triển khai.

“Với nền tảng công nghệ của Microsoft với nhiều ứng dụng hỗ trợ nâng cao hiệu quả làm việc, học tập trong và ngoài nhà trường; các công cụ dành cho học tập và làm việc nhóm; các tính năng mở rộng việc kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường, chúng tôi tin tưởng vào những thay đổi tích cực của môi trường giáo dục trong mỗi trường học khi tham gia chương trình. Các phương pháp giáo dục tiên tiến như dạy học dự án, lớp học đảo ngược, hay dạy học tích hợp sẽ được đưa vào áp dụng trên nền tảng CNTT để truyền đạt các bài giảng trong chương trình của Bộ GDĐT chắc chắn sẽ tạo hứng thú cho học sinh tham gia học tập một cách chủ động và sáng tạo.”

Chương trình hợp tác sẽ được triển khai qua 2 giai đoạn: 10 trường sẽ được lựa chọn để triển khai trong giai đoạn thí điểm và nhân rộng khi mô hình thể hiện được tính khả thi. 

Thông tin liên hệ cho báo chí

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ho Vinh Thang, PhD
Secondary Education Department
Ministry of Education and Training
35 Dai Co Viet, Ha Noi, Viet Nam
E: hvthang@moet.edu.vn 

Hội đồng Anh

Vũ Hải Đăng
Quản lý Truyền thông  
Hội đồng Anh Việt Nam
20 Thụy Khuê, Hà Nội
T +84 (0)4 3728 1920 ext. 1957
F +84 (0)4 38434962
E dang.vu@britishcouncil.org.vn  

Microsoft

Luu Mai Chi
Teacher Engagement Manager - Education Sector
Microsoft Vietnam LLC
16th Floor, Capital Tower, #109 Tran Hung Dao st., Hanoi, Vietnam
Tel. (84 4) 3926 3000
Mobile. +84 915584544
Fax. (84 4) 3826 1222                               
v-chiluu@microsoft.com 

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là một tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi kiến tạo các cơ hội quốc tế và xây dựng niềm tin giữa người dân tại Vương quốc Anh và các quốc gia trên toàn thế giới.

Hội đồng Anh hoạt động ở hơn 100 quốc gia. Hàng năm, 8.000 nhân viên của chúng tôi, bao gồm 2.000 giáo viên hợp tác với hàng ngàn chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như hàng triệu người trẻ thông qua các chương trình giảng dạy Tiếng Anh, Nghệ thuật, Giáo dục và Xã hội. 

Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện theo Hiến chương Hoàng gia Anh. Tổng doanh thu của Hội đồng Anh trong năm tài chính 2013 là 864 triệu bảng Anh; trong đó, 20% đến từ ngân sách công, 80% còn lại đến từ các dịch vụ mà Hội đồng Anh mang lại cho khách hàng trên toàn thế giới, như giảng dạy tiếng Anh và các kỳ thi quốc tế của Vương quốc Anh, các hợp đồng giáo dục và phát triển cho tới các mối quan hệ hợp tác đối tác với các tổ chức nhà nước và tư nhân trên toàn cầu. Các chương trình hoạt động của Hội đồng Anh đều nhằm theo đuổi mục đích phi lợi nhuận và hỗ trợ sự thịnh vượng và an ninh của Vương quốc Anh và trên toàn cầu.  

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập địa chỉ: www.britishcouncil.org. Quý vị cũng có thể cập nhật thông tin về hoạt động của Hội đồng Anh tại http://twitter.com/britishcouncilhttp://blog.britishcouncil.org/.

Thông tin liên quan