Các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, Mỹ, Israel, Singapore và một số quốc gia khác cùng chia sẻ kinh nghiệp xây dựng Hệ sinh thái cho tinh thần Kinh doanh và Sáng tạo xã hội trong hội thảo quốc tế tại Hà Nội diễn ra ngày 17 và 18 tháng Ba.
Chương trình do Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội đồng Anh Việt Nam, Trung tâm Pháp – Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) và Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (NIPTEX) phối hợp tổ chức với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức quốc tế liên quan đến khởi sự kinh doanh và các vấn đề xã hội.
Doanh nghiệp xã hội có hoạt động kinh doanh như mọi doanh nghiệp khác nhưng lại đặt sứ mạng giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường làm trọng tâm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xã hội cần một hệ sinh thái đặc thù hơn để thúc đẩy sự phát triển tinh thần kinh doanh và sáng tạo xã hội. Một hệ sinh thái lý tưởng đến từ khung pháp lý ổn định, những chính sách phù hợp cho doanh nghiệp xã hội, chương trình đào tạo ươm mầm tinh thần doanh nhân xã hội ngay từ trong trường đại học, cũng như nhận thức đúng của công chúng về doanh nghiệp xã hội thông qua các hoạt động quảng bá và truyền thông.
Hội thảo Hệ sinh thái cho tinh thần kinh doanh và sáng tạo xã hội là một dịp hiếm có để tất cả những yếu tố cần thiết để hình thành hệ sinh thái nói trên được phân tích từ những bài học quốc tế. Chuyên gia Uday Thakkar đến từ Red Ochre, tổ chức chuyên về hỗ trợ các tổ chức thực hiện các thay đổi xã hội tại Vương quốc Anh và trên toàn thế giới chia sẻ những kinh nghiệm của Vương quốc Anh và Scotland trong việc xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp xã hội như một cách để chuẩn bị cho một tương lai bền vững. Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Đại diện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra những thách thức của Việt Nam khi, tại đây, bản thân hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp nói chung còn chưa hoàn thiện trong khi doanh nghiệp xã hội vẫn là một khái niệm mới mẻ. Đến từ Đại học Bang Colorado, Mỹ, Tiến sỹ Yolanda Sarason kể câu chuyện về vai trò của trường đại học trong việc phát triển doanh nghiệp xã hội. Đây cũng là câu chuyện gần gũi với những gì Đại học Kinh tế Quốc dân và Hội đồng Anh đang thực hiện trong dự án “Phát triển doanh nghiệp xã hội trong nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học 2016”.
Tinh thần doanh nghiệp xã hội còn được lan tỏa đến 200 sinh viên đại học trong tọa đàm “Cơ hội nào cho người trẻ với tinh thần doanh nhân xã hội.” Hai diễn giả đến từ Vương quốc Anh và Singapore cùng nhóm chuyên gia tư vấn về Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam giới thiệu cho các bạn trẻ về những cơ hội và thách thức khởi nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, những công cụ và kỹ năng cần thiết để thực hiện ước mơ của mình.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam còn đến thăm ba doanh nghiệp xã hội KOTO, Thế hệ Xanh và KymViet. Nếu như KOTO hay KymViet đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (KOTO), người khuyết tật (KymViet) thì Thế hệ xanh phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường từ phụ phẩm nông nghiệp như bếp tiết kiệm củi, bếp khí hóa có quạt, v.v. Hoạt động tham quan doanh nghiệp xã hội địa phương giúp các đại biểu quốc tế có cái nhìn chân thực về hoạt động của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.