Chủ Nhật 31 Tháng Mười 2021

 

Ngày 31 tháng 10 năm 2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và ông Charlie Walker, Giám đốc Mạng lưới Toàn cầu của Hội đồng Anh đã ký kết gia hạn Biên bản ghi nhớ Hợp tác giáo dục giữa Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Edinburgh, Vương quốc Anh. 

Biên bản ghi nhớ hợp tác được gia hạn thêm ba năm đến năm 2024 sẽ tiếp nối thành công trên nền tảng các hợp tác hiện có giữa Hội đồng Anh và Bộ GD & ĐT trong lĩnh vực giáo dục và tiếng Anh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển giáo dục chất lượng ở Việt Nam thông qua việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong các lĩnh vực trọng tâm chiến lược song phương.

Phát biểu tại sự kiện với sự góp mặt của đại diện đến từ Hội đồng Anh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự hợp tác của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Ông nói: “Hội đồng Anh rất tích cực phát triển các hoạt động giảng dạy và phát triển tiếng Anh, hỗ trợ kết nối các trường đại học để trao đổi và hợp tác các chương trình dự án về đào tạo nói chung, liên kết đào tạo giữa các trường đại học hai nước, từ đó góp phần phát triển quan hệ giáo dục giữa hai nước.”

Đại diện Hội đồng Anh, ông Charlie Walker, Giám đốc Mạng lưới Toàn cầu chia sẻ: “Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký hôm nay sẽ tiếp tục thể hiện cam kết lâu dài của Hội đồng Anh với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc hỗ trợ thúc đẩy quốc tế hoá giáo dục thông qua các hoạt động trong lãnh đạo và phát triển giáo dục đại học, trao đổi sinh viên, khoa học, nghiên cứu, ngôn ngữ tiếng Anh và nhiều lĩnh vực khác. Quan hệ chiến lược này sẽ giúp xây dựng các hợp tác giáo dục bền vững giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy chia sẻ kiến thức và chuyên môn, chuyển đổi số cũng như đổi mới giáo dục trong tương lai.”

Các lĩnh vực trọng tâm chiến lược trong thoả thuận hợp tác bao gồm:

  • quốc tế hóa lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và hội nhập khu vực và toàn cầu thông qua chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của Vương quốc Anh, đồng thời mở ra các mối quan hệ hợp tác mới
  • phát triển kiểm định chất lượng, các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy trong giáo dục Việt Nam góp phần vào mục tiêu công nhận bằng cấp của hai bên và thúc đẩy sự tiến bộ trong học tập và hoạt động trao đổi cho cả sinh viên và người làm giáo dục ở cả Việt Nam và Vương quốc Anh
  • hợp tác nâng cao năng lực trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh (ELT) trong hệ thống giáo dục Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và nghiên cứu với các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế theo đề án ngoại ngữ quốc gia của Việt Nam

Biên bản ghi nhớ hợp tác cũng bao gồm nội dung về tiềm năng hợp tác song phương trong mảng giáo dục về biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Trong thời gian qua, chương trình Kết nối về Khí hậu do Hội đồng Anh triển khai đã và đang giới thiệu các cơ hội hợp tác một cách toàn diện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua khoa học, nghiên cứu, giáo dục và nghệ thuật, cụ thể có thể kể đến chương trình Kết nối các nhà Khoá học về thách thức khí hậu, Sáng kiến nghiên cứu ba bên (Trilateral Research Initiative); Các nguồn tài liệu học tiếng Anh về chủ đề biến đổi khí hậu (Climate Action in Language Education – CALE); Quỹ đổi mới quốc gia (Chương trình Dòng sông của Sự sống) hay Tuyên bố chung của Thanh niên toàn cầu về Biến đổi khí hậu.

Giáo dục là một trong ba trọng tâm phát triển tại Việt Nam và khu vực Đông Á trong chiến lược phát triển hướng đến năm 2025 của Hội đồng Anh. Hội đồng Anh tiếp tục cam kết hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua các lĩnh vực truyền thống nhưng với nhiều cách tiếp cận đổi mới và đa dạng như đổi mới kỹ thuật số, tích hợp nghệ thuật, ngôn ngữ Anh, nghiên cứu và giáo dục…. Điều này sẽ tạo điều kiện để phát triển các quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm cung cấp giải pháp và nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ chính phủ đạt các mục tiêu về giáo dục và cải thiện nguồn nhân lực, trước bối cảnh thách thức toàn cầu hoá. 

Hội đồng Anh hy vọng trong ba năm tới đây sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong một chương trình dài hạn, kết nối các tổ chức giáo dục đại học tại Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh và giáo dục đại học đang phải đối mặt trong thời gian học tập gián đoạn cũng như nhu cầu về đổi mới kỹ thuật số. Một số chương trình trọng tâm có thể kể đến: Tiếng Anh trong hệ thống Giáo dục và Hợp tác Đối tác Toàn cầu Going Global Partnerships.

Thông tin liên hệ cho báo chí

Phan Thị Bảo Phi, Hội đồng Anh, phi.phan@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi xây dựng các kết nối, sự hiểu biết và tin tưởng giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác thông qua nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ tiếng Anh. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã kết nối trực tiếp với 80 triệu người và kết nối với 791 triệu người thông qua các kênh trực tuyến, các chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm. Được thành lập năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, hoạt động theo Hiến chương Hoàng gia Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Chính phủ Anh tài trợ 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org 

Thông tin thêm về Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà n¬ước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.