Thứ Ba 23 Tháng Năm 2017

 

Hội nghị Khảo thí Ngoại ngữ Việt Nam lần thứ nhất khai mạc hôm nay tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị do Hội đồng Anh và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phối hợp tổ chức quy tụ các chuyên gia hàng đầu về khảo thí và đánh giá ngôn ngữ của Việt Nam và Vương quốc Anh. Đây là diễn đàn để họ có thể trao đổi thông tin và cập nhật những xu hướng hàng đầu trong lĩnh vực dạy và học cũng như đánh giá ngôn ngữ tiếng Anh. Trung tâm đào tạo của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) tại thành phố Hồ Chí Minh là đối tác tổ chức hội nghị này. 

Hội nghị Khảo thí Ngoại ngữ Việt Nam là kết quả đầu tiên của New Directions – Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2016 và thu hút sự tham gia của hơn 400 chuyên gia quốc tế và khu vực. Nếu như New Directions mang lại những góc nhìn quốc tế, Hội nghị Khảo thí Ngoại ngữ Việt Nam tập trung nhiều hơn vào Việt Nam với phần trình bày của các diễn giả đến từ 10 trung tâm khảo thí quốc gia.

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất của mình về các hình thức kiểm tra đánh giá trên lớp tại Việt Nam. Đánh giá trên lớp bao gồm các hoạt động tương tác, cho ý kiến giữa thày cô và học viên cũng như các bài kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học viên. 

Trên toàn cầu, đánh giá trên lớp được coi là một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả học tập của người học; tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy hình thức đánh giá trên lớp thường bị bỏ qua hoặc coi nhẹ tại Việt Nam vì sĩ số học viên mỗi lớp lớn và vì khối lượng công việc mà giáo viên đảm trách. Kết quả của nghiên cứu này còn bao gồm những gợi ý và đề xuất để khắc phục những thách thức nói trên và để sử dụng tốt hơn các hình thức kiểm tra đánh giá trong việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam. 

Tiến sỹ Jamie Dunlea, Nghiên cứu viên cao cấp về Đánh giá Ngôn ngữ từ Hội đồng Anh nói về việc sử dụng bản mô tả kỹ thuật của một bài thi để trợ giúp việc thiết kế tốt hơn chương trình trên lớp. Bản mô tả kỹ thuật của một bài thi là một khung thiết kế bài thi trong đó nêu rõ mục đích của từng thử thách đặt ra trong bài thi, tiêu chí cho những nội dung được lựa chọn sử dụng cũng như những câu trả lời được kỳ vọng. Bản miêu tả kỹ thuật bài thi, nếu được thiết kế dựa vào mô hình nhận thức xã hội, sẽ phản ánh chính xác các trình độ trên thang thành thạo ngôn ngữ. Vì vậy, chương trình trên lớp được thiết kế dựa trên những tiêu chí này rất hữu ích khi chúng hỗ trợ việc dạy và học các kỹ năng tương ứng với một trình độ nhất định thay vì chỉ dạy để ôn thi. 

Tiến sỹ Jamie cũng phân tích bài thi Aptis như một ví dụ tốt về cách một bài thi có thể giúp định hướng giáo viên trong việc thiết kế các hoạt động trên lớp phục vụ hai mục tiêu quan trọng: chuẩn bị kiến thức cho học sinh đi thi và chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để họ có thể thực sự sử dụng được tiếng Anh trong đời sống. Aptis là bài thi tiếng Anh hiện đại và linh hoạt được thiết kế bởi Hội đồng Anh.

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày về các quy trình chuẩn các trường cũng như các giáo viên có thể áp dụng về kiểm tra đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ. Bà Mai Hữu giới thiệu bộ tài liệu hướng dẫn quy trình kiểm tra đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ bậc cao đẳng và đại học tại Việt Nam. Tài liệu miêu tả quy trình kiểm tra đánh giá gồm năm bước: 1. Lập kế hoạch và thiết kế công cụ, 2. Xây dựng công cụ, 3. Tổ chức thực hiện, 4. Xử lý kết quả, 5. Tổng kết và đánh giá. Bộ tài liệu hướng dẫn cũng gợi ý những quy trình kiểm soát và bảo đảm chất lượng và các cách để xử lý những vấn đề kỹ thuật ở từng giai đoạn. 

Các bài trình bày khác bàn về nhiều chủ đề như cách đánh giá ngôn ngữ với học viên tiểu học, các phương pháp đánh giá kỹ năng viết và sử dụng các hình thức làm việc nhóm để phát triển đánh giá các kỹ năng diễn đạt trong tiếng Anh.

Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam nói: “Thông qua Hội nghị Khảo thí Ngôn ngữ Việt Nam lần thứ nhất, Vương quốc Anh tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với những mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ giáo viên và học sinh thông qua Hội đồng Anh.”

‘Tiếng Anh tạo ra các cơ hội giáo dục quốc tế, việc làm tốt hơn và tạo dựng mối quan hệ với người dân và các tổ chức trên toàn thế giới. Các bài thi như Aptis hay IELTS khuyến khích giáo viên dạy học sinh sử dụng ngôn ngữ cho các mục tiêu thực hành và sử dụng trong đời sống, thay vì chỉ đơn thuần là ôn thi. Hội nghị này sẽ giúp các giáo viên cho thể phát triển các bài kiểm tra và các hoạt động trong lớp học theo hướng thực tế như vậy.’

Thông tin liên hệ cho báo chí

Thông tin thêm vui lòng liên hệ

Vũ Hải Đăng
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh Việt Nam
20 Thuy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
T +84 (0)4 38436780 (ext.1957)
F +84 (0)4 38434962
dang.vu@britishcouncil.org.vn

Lê Thủy
Quản lý các chương trình Khảo thí
Hội đồng Anh Việt Nam
20 Thuy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
T +84 (0)4 38436780 (ext.1917)
F +84 (0)4 38434962
thuy.le@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi kiến tạo và thúc đẩy hiểu biết thân thiện giữa người dân tại Vương quốc Anh và trên thế giới. Từ nguồn tài nguyên văn hóa của Vương quốc Anh, chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin.

Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Mỗi năm, Hội đồng Anh làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 20 triệu người, tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với trên 500 triệu người. 

Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Phần lớn nguồn thu của Hội đồng Anh đến từ việc thực hiện các dự án và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh và thi cử, các hợp đồng giáo dục và phát triển, và các hoạt động hợp tác đối tác với các tổ chức công tư. Tài trợ đến từ Chính phủ Anh chiếm 18% ngân sách hoạt động của chúng tôi. 

Xem thêm

Thông tin liên quan