Nằm trong khuôn khổ 'Đề án 1665 Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp tới năm 2025' được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng Mười năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác ba năm (2018–2021) với Hội đồng Anh tại Việt Nam để thúc đẩy tinh thần công dân tích cực và tinh thần doanh nhân xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Ngoài các hoạt động với các trường đại học, chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh có một hợp phần quan trọng dành cho các thầy cô giáo và học sinh các trường THPT mang tên 'Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải’.
Sau năm thứ nhất triển khai tại Thừa Thiên Huế, năm thứ hai của chương trình Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải tại ba tỉnh thành phố Hà Nội, Đồng Tháp và Hồ Chí Minh đã chính thức khép lại với ba hội thảo Đối thoại chính sách ở ba địa điểm diễn ra chương trình tại trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội; Hội trường Thành ủy TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, và trường THPT Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh từ ngày 19–22 tháng Một 2021. Hội thảo đã có sự tham dự của đại diện cấp cao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành nơi có chương trình diễn ra, đại diện các sở, ngành liên quan, đại diện Coca Cola, đơn vị hỗ trợ và đồng hành cùng chương trình cùng ban giám hiệu, giáo viên và học sinh của chín trường tham gia vào năm thứ hai của chương trình tại Hà Nội, Đồng Tháp và Tp Hồ Chí Minh.
Việt Nam là một trong năm quốc gia đứng đầu có lượng rác thải nhựa nhiều nhất ra biển. Và cũng tại Việt Nam, chỉ tính từ năm 1990-2015, lượng tiêu thụ rác thải nhựa đã tăng gấp 10 lần… đây thực sự là những con số đang rất báo động, theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) chia sẻ tại hội thảo.
Là hợp phần cuối cùng của chương trình Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải, hội thảo Đối thoại chính sách là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan, đại diện các sở, ban, ngành, các trường tham gia chương trình cùng thảo luận về thực trạng vấn đề quản lý rác thải tại địa phương và đưa ra những giải pháp về mặt chính sách và các chương trình giáo dục để giải quyết vấn đề này. Rất nhiều ý kiến đã được trao đổi cũng như nhiều giải pháp thiết thực đã được thảo luận tại những buổi hội thảo này.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Donna McGowan, Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: ‘Chúng tôi tin rằng đổi mới xã hội về cơ bản là sự kết hợp của các thành phần khác nhau trong xã hội để giải quyết những thách thức liên quan đến con người và hành tinh. Quy mô của những vấn đề như vậy, chẳng hạn như tính bền vững của môi trường, đòi hỏi những tư duy sáng tạo, đổi mới và hợp tác để tìm kiếm các giải pháp mới. Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng đưa ra lời kêu gọi hành động nhằm xây dựng các mối quan hệ đối tác đa lĩnh vực nhằm giải quyết những thách thức lớn ảnh hưởng đến sự bền vững trong tương lai của hành tinh chúng ta. Vì vậy, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh, chúng tôi vui mừng nhận thấy sự phát triển về kiến thức, kỹ năng và sự nhiệt tình của giáo viên và học sinh Việt Nam thông qua các dự án và hoạt động khác nhau đã và đang được mở rộng ra khắp các trường học và cộng đồng rộng lớn hơn.’
Đánh giá cao sự hiệu quả cũng như tính thực tiễn của chương trình Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải, với mong muốn chương trình sẽ là một mô hình được tiếp tục thực hiện thành công ở nhiều địa bàn, thành phố khác, không chỉ riêng tại các cụm trường ở ba địa điểm của chương trình, tại phiên thảo luận của hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các bên liên quan, một tín hiệu rất đáng mừng khi chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan quản lý trong đó Sở GD&ĐT Đồng Tháp và Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Tháp đã cam kết sẽ cùng ký kết liên ngành để phối hợp thực hiện và hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình được tiếp tục nhân rộng không chỉ ở Sa Đéc mà còn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giúp lan tỏa các hoạt động này không chỉ trong trường học mà còn ở trong cộng đồng.
Thực hiện thành công ba mục tiêu chính: Nâng cao năng lực, Kết nối cộng đồng, Vận động chính sách, chương trình Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải trong năm thứ hai đã được triển khai tới 108 giáo viên, 392 học sinh tại 9 trường với 63 ý tưởng về bảo vệ môi trường được hình thành và 42 trong số đó đã được cấp vốn hạt giống và triển khai thực hiện. Cùng với tỉ lệ giảm rác thải trung bình đạt được tại các trường sau dự án là 43,13%, vượt xa so với mục tiêu 20% ban đầu của chương trình đã là những con số rất ý nghĩa.
Lần đầu tiên phiên thảo luận của hội thảo đối thoại chính sách Chương trình công dân tích cực vì một thế giới không rác thải tại Tp Hồ Chí Minh đã có sự tham gia của các em học sinh. ‘Chương trình Công dân tích cực như đòn bẩy giúp em nghĩ ra ý tưởng’ ‘Kỹ năng teamwork, làm việc nhóm’ hay ‘em đã biết tự khám phá bản thân mình, học thông qua thực hành mới có thể ngấm được’ là một trong rất nhiều những chia sẻ của các em học sinh về chương trình, ghi nhận sự thành công khi dự án được triển khai lần đầu tiên tại Tp Hồ Chí Minh.
‘Một dự án mang lại nhiều ý nghĩa cho các trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối và lan tỏa chương trình tới hội cha mẹ học sinh, các trường bạn, các nhà quản lý giáo dục và đặc biệt là đội ngũ giáo viên để thay đổi hành vi chính trong gia đình, rồi tới nhà trường’, chia sẻ của thầy Lê Ngọc Khái, hiệu trưởng trường THPT Thủ Đức cũng là một thông điệp hết sức ý nghĩa, tiếp tục để duy trì và phát triển chương trình mà theo như bà Trần Thị Hồng Gấm, đại diện của Hội đồng Anh đã nhấn mạnh – chương trình mới chỉ là khởi đầu và rất cần được lan tỏa rộng hơn, tới nhiều trường hơn, cũng như việc cần sự kiên trì của các thủ lĩnh để tiếp tục tạo sự thay đổi.