Thứ Sáu 18 Tháng Tám 2017

 

Hôm nay, tại trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo ‘Hướng tới quốc tế hoá giáo dục đại học ở Việt Nam tới năm 2025’. Hội thảo là diễn đàn thảo luận về các sáng kiến đóng góp cho bản dự thảo Chương trình chiến lược quốc tế hoá giáo dục đại học của Việt Nam (IHES), đồng thời kêu gọi việc hình thành mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam – Vương quốc Anh nhằm thực hiện các chương trình hợp tác phục vụ trực tiếp cho Chiến lược Quốc tế hoá Giáo dục đại học ở Việt Nam. 

Quốc tế hoá giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Quốc tế hóa giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập toàn cầu, giúp thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhận thấy tầm quan trọng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang xây dựng dự thảo đề án ‘Chiến lược Quốc tế hóa giáo dục đại học cho giai đoạn 2017 – 2025’ tập trung ưu tiên phát triển về quản trị trường đại học, đào tạo, nghiên cứu và trao đổi và các chương trình kỹ năng.’

Tham gia hội thảo, các chuyên gia giáo dục đại học Vương quốc Anh cho biết các trường đại học Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng và hoạt động cụ thể để thúc đẩy các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói riêng, và giáo dục đại học Việt Nam nói chung. Cũng theo các chuyên gia giáo dục đại học Vương quốc Anh, chiến lược Quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam sẽ hỗ trợ cụ thể cho các trường về định hướng ưu tiên phát triển và cả về quá trình thực hiện. Giáo sư Mushtak Talib Ali Al-Atabi, Hiệu trưởng Đại học Heriot Watt, và Giáo sư John McBride, Giám đốc điều hành, Đại học Southampton, (cơ sở Malaysia) cũng đã tham gia đóng góp ý kiến và chia sẻ mang tính chiến lược về câu chuyện thành công cũng như bài học kinh nghiệm trong chiến lược quốc tế hóa của trường tại hội thảo.

Ông Danny Whitehead, Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết ‘Vương quốc Anh luôn cam kết hỗ trợ việc thực hiện chương trình Đổi mới Giáo dục Đại học (HERA) tại Việt Nam. Là đối tác chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh đã kết nối những chuyên gia giáo dục đại học của Vương quốc Anh với Việt Nam nhằm đóng góp cho chiến lược dự thảo đề án Quốc tế hóa Giáo dục Đại học tại Việt Nam. Hợp tác giáo dục là một công cụ mạnh mẽ giúp xây dựng sự hiểu biết sâu sắc và thân thiện hơn giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia.”

Vương quốc Anh được biết đến là một trong những quốc gia tiên phong về quốc tế hóa giáo dục. Những thành tựu đã được ghi nhận từ chiến lược quốc tế hóa của Vương quốc Anh có thể kể đến như Vương quốc Anh đã thu hút được hơn 40,000 cán bộ quốc tế làm việc cho hệ thống giáo dục tại Vương quốc Anh (theo Tổ chức các trường đại học Vương quốc Anh); đứng thứ hai trên thế giới về số lượng sinh viên quốc tế; 72 phần trăm nghiên cứu sinh tại Vương quốc Anh thường xuyên có sự dịch chuyển quốc tế (theo thống kê giai đoạn 1996–2012 của Bộ Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng, 2013); 48 phần trăm xuất bản nghiên cứu từ Vương quốc Anh có sự hợp tác quốc tế (Hội đồng Anh, 2012). 

Thông tin liên hệ cho báo chí

Thông tin thêm vui lòng liên hệ

Hạnh Lê (Ms.)
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh tại Việt Nam
20 Thuy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
T +84 (0)4 38436780 (ext.1957)
F +84 (0)4 38434962
hanh.le@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi kiến tạo và thúc đẩy hiểu biết thân thiện giữa người dân tại Vương quốc Anh và trên thế giới. Từ nguồn tài nguyên văn hóa của Vương quốc Anh, chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin.

Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Mỗi năm, Hội đồng Anh làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 20 triệu người, tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với trên 500 triệu người. 

Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Phần lớn nguồn thu của Hội đồng Anh đến từ việc thực hiện các dự án và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh và thi cử, các hợp đồng giáo dục và phát triển, và các hoạt động hợp tác đối tác với các tổ chức công tư. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 18 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi.