Nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối Nhà khoa học (Researcher Links) được tài trợ bởi Quỹ Newton, Đại học Aston (Vương quốc Anh), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt–Anh (VNUK) và Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Đà Nẵng hôm nay đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Nghiên cứu phân tích dữ liệu cho Đô thị tương lai” (DAFCR 2018) tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt–Anh (158A Lê Lợi, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật và ứng dụng mới của lĩnh vực phân tích dữ liệu vào phát triển bền vững các thành phố ở Vương quốc Anh, Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN khác, bốn chủ đề chính được thảo luận trong ba ngày diễn ra hội thảo DAFCR 2018, từ 11–13 tháng Bảy 2018 gồm:
- Phân bổ và quản lý tài nguyên cho phát triển đô thị;
- Điều hướng giao thông ở các thành phố lớn;
- Cá nhân hóa dịch vụ y tế;
- Giám sát và theo dõi phản hồi của công chúng về chính sách và sự kiện.
Kết nối các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học dữ liệu ở Việt Nam, Vương quốc Anh và các nước trong khu vực Đông Nam Á, DAFCR 2018 là cơ hội để các nhà nghiên cứu cùng học hỏi lẫn nhau và tiến tới cộng tác lâu dài. Khoảng 40 nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, xử lý tín hiệu, mô hình hóa tách tử, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích thông tin xã hội, mô hình hóa toán học, mạng phức tạp kết hợp khoa học xã hội,… sẽ cùng thảo luận và tìm ra các hướng nghiên cứu tiềm năng trong việc xây dựng các thành phố tương lai, nhằm góp phần cải thiện các khía cạnh về phát triển kinh tế, an sinh xã hội và chất lượng môi trường sống đô thị.
DAFCR 2018 đặc biệt có sự tham gia với tư cách diễn giả của các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực: GS. Alex Singleton, giáo sư khoa học thông tin địa lý đến từ Đại học Liverpool (Vương quốc Anh); GS. James Ferryman, giảng viên ngành khoa học máy tính và là thành viên của Nhóm Tầm nhìn Tính toán tại Đại học Reading (Vương quốc Anh); GS. Hiroshi Motoda, giáo sư danh dự của Đại học Osaka, giáo sư khách mời của Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (ISIR) của Đại học Osaka (Nhật Bản); và cuối cùng là một đại diện từ Việt Nam, GS. Hồ Tú Bảo, giáo sư danh dự của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Giám đốc Viện John von Neumann (JVN) của Đại học Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Việt Nam trong Toán học (VIASM). Cùng với các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, DAFCR 2018 sẽ kết nối các nhà khoa học cùng hợp tác với nhau thành các nhóm cộng tác để cùng nghiên cứu, viết đề xuất xin tài trợ hay nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu trẻ có thể phần nào xây dựng nền móng vững chắc cho những phát minh, nghiên cứu tiếp theo của họ.
Ở một góc nhìn rộng hơn, vai trò của DAFCR 2018 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực quan trọng và mở đường cho việc ứng dụng phân tích dữ liệu trong cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Ngành khoa học phân tích dữ liệu sẽ có vai trò ngày càng quan trọng hơn so với tất cả các ngành công nghiệp vào năm 2020. Nhiều viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới cũng đã khẳng định xu hướng này. Chính vì thế, hội thảo được tổ chức với mong muốn xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc cho các nhà khoa học về kỹ năng xây dựng tri thức từ dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, đề tài xây dựng “Thành phố tương lai” hay còn gọi là “Thành phố Thông minh” đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. “Thành phố Thông minh” đem lại nhiều lợi thế: các hệ thống điều phối thông minh sẽ điều hành giao thông, các mạng lưới thông tin năng lượng vận chuyển năng lượng và đồng thời hướng đến giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng dưới sự giám sát dòng dữ liệu. Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp ta kết nối mạng lưới và kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hoá.
Đây là lần đầu tiên một hội thảo về lĩnh vực khoa học số liệu trong cuộc sống đô thị hiện đại được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn và chất lượng cao, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội hợp tác chiến lược mang tầm quốc tế và đặc biệt có ích để định hướng cũng như triển khai các giải pháp phát triển cho Thành phố Đà Nẵng. Hội thảo DAFCR 2018 thuộc Chương trình Kết nối Nhà khoa học, số ID 2017-RLWK8-11309, trong khuôn khổ Chương trình Quỹ Newton Việt Nam. Khoản tài trợ được cấp bởi Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh (BEIS) và do Hội đồng Anh triển khai.