Hôm nay, hội thảo quốc tế “Heparin và Heparan sulfate: Từ nghiên cứu đến sản xuất và ứng dụng trong y học” đã chính thức khai mạc tại Hội trường Trung tâm Văn hóa ULIS – Jonathan KS Choi thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nằm trong khuôn khổ chương trình Hội thảo kết nối các nhà Khoa học (Researcher Links workshop) thuộc Quỹ Newton do Hội Đồng Anh thực hiện, hội thảo nhằm kết nối các nhà khoa học Việt Nam – Vương quốc Anh trong việc nghiên cứu sản xuất và đưa vào ứng dụng trong y học của Heparin và Heparan sulfate sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 10 tháng Năm 2018.
Tập trung vào Heparin, thuốc chống đông máu đang được sử dụng hàng ngày, hàng giờ tại các bệnh viện để điều trị các bệnh lý tim mạch, hội thảo “Heparin và Heparan sulfate: Từ nghiên cứu đến sản xuất và ứng dụng trong y học” đánh dấu sự hợp tác nghiên cứu quốc tế giữa Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam và Đại học Liverpool, Vương quốc Anh với sự đồng chủ trì tổ chức của GS. David Fernig, Đại học Liverpool và TS. Vũ Thị Thơm, Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng với sự tham gia của 30 nhà khoa học trẻ của Vương quốc Anh có chuyên môn sâu trong lĩnh vực về Heparin và Heparan Sulfate đến từ các trường đại học như Oxford, Liverpool, Keele, Open, Nottingham, Newcastle và các nhà nghiên cứu của Việt Nam có chuyên môn về các công nghệ - kỹ thuật cao và bác sỹ lâm sàng đến từ các đơn vị nghiên cứu bao gồm Khoa Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Tim Việt Nam, sự kiện cũng thu hút được sự quan tâm và tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, cán bộ, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.
Heparin có nguồn gốc từ ruột lợn. Tiềm năng kinh tế và thị phần cung ứng heparin trên toàn thế giới đang ngày càng tăng, dự kiến sẽ chạm mức khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất Heparin cũng rất tiềm năng trong ứng dụng lâm sàng, đặc biệt trong việc giúp phục hồi và tái tạo các mô bị tổn thương như bỏng, loét hay trong việc kiểm soát một số bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, zika.
Xuất phát từ giá trị ứng dụng thực tiễn và nhu cầu phát triển sản phẩm dược phẩm từ nguyên liệu rẻ tiền trong nông nghiệp, Hội thảo “Heparin and Heparan Sulfate: từ nghiên cứu đến sản xuất và ứng dụng trong y học” được tổ chức với mục tiêu: Thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu liên ngành của Vương Quốc Anh và Việt Nam. Hai bên muốn thông qua hội thảo này hình thành hệ thống nghiên cứu xuyên suốt từ chiết xuất, tinh sạch Heparin và các chế phẩm của Heparin từ các phụ phẩm chăn nuôi đến ứng dụng trong thực tiễn, thực hành lâm sàng tại các bệnh viện tại Việt Nam và qua đó thúc đẩy phát tiển kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như tạo được sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng.
Hai ngày đầu của Hội thảo sẽ cung cấp nền tảng khoa học cần thiết để xác định các hợp tác nghiên cứu và xây dựng các năng lực thiết yếu cho cả hai phía Anh và Việt Nam. Ngày thứ ba, Hội thảo sẽ thảo luận về việc phát triển các liên kết này và thiết lập các kế hoạch cụ thể bao gồm cả hoạch định các nguồn tài trợ cho một chuỗi các nghiên cứu để có thể khai thác nguồn nguyên liệu nông nghiệp phong phú tại Việt Nam. Chuyến thăm quan các cơ sở nghiên cứu vào ngày thứ tư của Hội thảo sẽ giúp khảo sát về năng lực nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam qua đó đề ra những kế hoạch hợp tác sát thực và hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó chủ nhiệm Phụ trách Khoa Y Dược cho rằng: “Hội thảo sẽ cung cấp tri thức mới lạ, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và cách thức để chuyển một ý tưởng nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm thương mại thông qua việc liên kết Viện - Trường - Doanh nghiệp cũng như là nơi để các nhà khoa học trong và ngoài nước tương tác, trao đổi học thuật”
Hội thảo có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, khai thác thế mạnh của nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để làm nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm. Hội thảo được diễn ra nhân dịp chào mừng 8 năm thành lập Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần đánh dấu sự phát triển hợp tác quốc tế của Khoa với các trường đại học của Vương quốc Anh.
Hội đồng Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2018, chúng tôi đánh dấu 25 năm hoạt động tại Việt Nam với chuỗi sự kiện kỷ niệm quan hệ và trao đổi văn hóa giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.