Thứ Sáu 10 Tháng Năm 2019

 

6–25 tháng Sáu, Hội An, Đà Nẵng - Với sự tham gia của 43 nghệ nhân và nghệ sĩ

Dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh triển khai tại Việt Nam đã chính thức lựa chọn được 43 gương mặt để tham gia vào chương trình lưu trú FAMLAB tháng Sáu tới tại Hội An, Đà Nẵng. 43 gương mặt nghệ nhân và nghệ sĩ đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam và Vương quốc Anh vừa chính thức được công bố sẽ cùng kết hợp và hướng đến sự giao lưu, trao đổi và chia sẻ chuyên sâu về âm nhạc bản địa. 

Thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản Kết nối và thực hiện với sự phối hợp cùng Lune Production và Phù Sa Lab (với sự tham gia của Giám đốc Âm nhạc Nguyễn Nhất Lý cùng các thành viên của dàn nhạc SEAPHONY), chương trình lưu trú FAMLAB tháng Sáu với điểm nhấn của chương trình là buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời sẽ diễn ra từ 6–25 tháng Sáu, 2019. Buổi diễn tổng kết chia sẻ với công chúng diễn ra ngoài trời vào ngày 25 tháng Sáu tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp, Hội An. 

Chương trình lưu trú diễn ra trên khung nền là âm nhạc bản địa từ các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và của dân tộc Chăm (Nam Trung Bộ), với sự tham gia của các nghệ nhân từ Tuyên Quang, Lai Châu, Gia Lai, Đắk Lắk và Bình Thuận. Đóng vai trò cố vấn và điều phối nghệ thuật là các nghệ sĩ từ Phù Sa Lab: Nguyễn Nhất Lý (giám đốc âm nhạc cho các chương trình của Lune Production như Làng tôi, À ố, Palao, v..v..), Nguyễn Đức Minh và Quyền Thiện Đắc, cùng khách mời đặc biệt nhạc sĩ Ngọc Đại. Một số cái tên đáng chú ý khác gồm Nhóm Đàn Đó với các nhạc cụ tự chế lấy cảm hứng từ âm nhạc bản địa cũng như các vật dụng hàng ngày, và ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi. 

Với sự tham gia của ba nghệ sĩ đương đại Scotland được biết đến qua các thử nghiệm cùng các giá trị truyền thống: Tom Bancroft (trống bodhran), Esther Swift (đàn harp) và David Shedden (kèn túi), Lưu trú FAMLAB cũng sẽ đưa đến một cơ hội hiếm hoi cho các giao thoa và cộng hưởng giữa hai nền âm nhạc bản địa Việt Nam và Scotland vốn tồn tại nhiều tương đồng.

Diễn ra trong 20 ngày làm việc và tập luyện, chương trình lưu trú FAMLAB sẽ kết thúc với một buổi diễn tổng kết ngoài trời tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp, Hội An, Đà Nẵng, giới thiệu các tác phẩm được phát triển trong quá trình lưu trú của các nghệ sĩ trong chương trình. 

Lưu trú FAMLAB tháng Sáu có sự góp mặt của các nghệ nhân và nghệ sĩ:

Thành phần Tên nghệ nhân và nghệ sĩ
Các cố vấn âm nhạc Phù Sa Lab, Hà Nội

Nguyễn Nhất Lý
Hoàng Ngọc Đại
Nguyễn Đức Minh
Quyền Thiện Đắc

Các nghệ nhân âm nhạc bản địa Việt Nam

Chu Văn Thạch (Tuyên Quang)
Lò Thị Chăn (Lai Châu)
Mai Khôi (Hà Nội)
Nhóm Đàn Đó (Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, Trần Kim Ngọc) (Hà Nội)
R’Châm Tih (Gia Lai)
Thổ Minh Vượng (Bình Thuận)
Xích Văn Trực (Bình Thuận)
Y Cel Niê (Đắk Lắk)

Các nghệ sĩ âm nhạc bản địa Scotland

David Shedden
Esther Swift 
Tom Bancroft

Các nghệ sĩ đương đại Việt Nam và quốc tế đang sinh sống ở Việt Nam 

Alec Schachner (Hà Nội / Mỹ)
Bryan Wilson (Hà Nội / Mỹ) 
Hoàng Quốc Việt (Hội An)
Jett Ilagan (Hà Nội / Philippines) 
Linh Hà (Hà Nội)
Má A Nủ (Lào Cai)
Nhóm Teresa (Y Meret Niê, Điểu Hùng, Ngân Văn Chiến, Ages, Tis) (Đắk Lắk)

Các thành viên đoàn Palao, Lune Production, Hội An

Hán Văn Đón
Huỳnh Đắc Phúc
Inra Jaka
Kiều Ngọc Tá
Nguyễn Ninh
Nguyễn Thị Thanh Lâm 
Phạm Ba Chinh
Quảng Đại Hữu
Thuận Ngọc Hòa
Thuận Ngọc Vũ Linh

Các thành viên đoàn Teh Dar, Lune Production, Lâm Đồng

H' Nrũil Kră Jẵn
K'Rã Ján Điôn
La Y San
Nay Dấu
Y' Sắc Niê

Thông tin liên hệ cho báo chí

Lê Mai Hạnh 
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh 
20 Thụy Khuê
Tây Hồ
Hà Nội
Việt Nam
T +84 (0)24 37281920 (máy lẻ 1957)
F +84 (0)24 38434962
hanh.le@britishcouncil.org.vn 

Trần Duy Hưng 
Quản lý Chương trình
Ban Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê
Hà Nội
Việt Nam
T +84 1800 1299 máy lẻ 1929
hung.tran@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Trong năm ngoái, chúng tôi đã làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 75 triệu người, đồng thời tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với 758 triệu người. Chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin. Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org 

Giới thiệu về Dự án Di sản Kết nối 

Di sản Kết nối là dự án trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, kéo dài trong hai năm, Dự án này sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Dự án bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Hoạt động văn hóa cộng đồng, và Lab Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.

Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại. 

Giới thiệu về Lune Production

Lune Production được thành lập vào năm 2012 với hoài bão truyền tải những giá trị văn hóa của thế giới, bắt đầu từ Việt Nam, đến với khán giả toàn cầu. Công ty phát triển và quảng bá những vở diễn và sản phẩm mang chất liệu văn hóa bản địa qua việc hợp tác với những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới chia sẻ cùng tầm nhìn và đam mê. Các tác phẩm của Lune Production như À Ố Show, Làng Tôi, … đã chinh phục khán giả địa phương cũng như quốc tế khắp bốn châu lục. Song song với việc mở rộng quy mô, công ty tiếp tục tập trung thúc đẩy sáng tạo và khơi nguồn và phát triển các giá trị văn hóa. Các công trình gần đây nhất của Lune là Dự án S.E.A Sound, giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony; và Palao, tác phẩm sân khấu đương đại mang hơi thở văn hóa Chăm.

Giới thiệu về Dự án S.E.A SOUND và Dàn nhạc Âm thanh Bản địa SEAPHONY 

Dự án S.E.A Sound được kiến thiết bởi nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhằm tạo nên một sân chơi cho cộng đồng những người yêu mến âm nhạc bản địa Đông Nam Á sẻ chia, thưởng thức, sáng tác, biểu diễn và cùng phát triển. Sau nhiều năm nghiên cứu và những tháng ròng lao động miệt mài xuyên suốt 2017, Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony đã có buổi ra mắt với chương trình ‘Đêm Vô Thức Bản Địa’ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/12/2017. Bước kế tiếp, S.E.A Sound hướng tới bén rễ sâu hơn thành nền tảng bền vững lâu dài ở các cộng đồng bản địa, đồng thời kết nối các nhạc sĩ và nghệ nhân khắp các quốc gia trong khu vực, dần xây dựng một mạng lưới mở cùng phát triển, chia sẻ và mang thanh âm bản địa Đông Nam Á ra thế giới.

Giới thiệu về Phù Sa Lab

Ra đời ở quận Tây Hồ, Hà Nội, Phù Sa Lab được sáng lập bởi nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý trong những năm đầu trở về Việt Nam, với tầm nhìn kiến thiết một chốn hội tụ cho các nghệ sĩ độc tập, một nơi thể nghiệm cho việc thực hành âm nhạc truyền thống và bản địa Việt Nam trong bối cảnh đương đại, một không gian mở cho các nhà hoạt động văn hóa và người sáng tạo cùng sẻ chia các giá trị sống, đam mê, lý tưởng về nghệ thuật, nhân văn, và môi trường.