Hà Nội - Từ ngày 2 đến 6 tháng Tám năm 2016, Hội đồng Anh, Bộ giáo dục và Đào tạo, và Quỹ Newton phối hợp tổ chức Chương trình Tập huấn “Phương pháp Giáo dục theo định hướng STEM” dành cho 22 lãnh đạo và 54 giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ cấp Trung học Cở sở và Phổ thông Trung học tại 14 trường tham gia thí điểm dự án Giáo dục STEM. Chương trình có sự tham dự của ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khóa tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động trong giai đoạn 2016-2017 của Bộ GDĐT về thí điểm các phương pháp tiếp cận giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, khuyến khích trải nghiệm và sáng tạo. Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm xây dựng tầm nhìn của lãnh đạo và giáo viên các trường học về phương pháp giáo dục theo định hướng STEM để từ đó, lập kế hoạch thực tiễn đưa phương pháp này vào áp dụng tại các trường học. STEM là phương pháp “học qua hành”, “học theo dự án” mà học sinh sẽ sử dụng kiến thức tổng hợp của bốn môn khoa học – công nghệ - kỹ thuật và toán để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Từ đó, các em sẽ hình thành những kĩ năng và tư duy quan trọng để làm việc và hội nhập sau này như kĩ năng giao tiếp, cộng tác, tư duy phản biện và làm dự án.
Tham gia chương trình, lãnh đạo và giáo viên các trường sẽ được tập huấn bới Tiến sỹ Mark Hardman, hiện đang dẫn dắt các chương trình đào tạo giáo viên tại hai trường đại học King's College London và Canterbury Christ Church University tại Vương quốc Anh. Đến nay, Mark Hardman đã hướng dẫn 4 sinh viên làm thí nghiệm về giáo dục STEM thành công. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ được dẫn dắt bởi ông Alan West, Giám đốc điều hành Exscitec, một công ty tư nhân tại Vương quốc Anh được thành lập để hỗ trợ việc tiếp cận phương pháp giáo dục STEM giữa các trường học và trường đại học.
Bốn ngày đầu trong chương trình tập huấn sẽ đi sâu phát triển năng lực giảng dạy cho các giáo viên với 3 kỹ năng STEM cơ bản bao gồm xác định vấn đề STEM; sử dụng những phương pháp phù hợp để tìm hiểu; và phân tích đánh giá. Tại buổi tập huấn, các giáo viên sẽ được tham gia làm thí nghiệm thực tế như một học sinh để từ đó trả lời được các câu hỏi: Vấn đề STEM là gì?; Giáo viên sẽ tổ chức hoạt động như thế nào để học sinh tham gia và có tính thực tiến?; Học sinh sẽ cần những kỹ năng nào để tham gia các hoạt động đó? Các thí nghiệm thực tế bao gồm lý thuyết Trò chơi (Toán), pin mặt trời/ quang điện (Vật lý), hoạt động nước biển (Toán/ Công nghệ) và xác định ADN của hoa quả (Sinh học).
Cũng trong chương trình tập huấn, các giáo viên sẽ có cơ hội phân tích và đánh giá việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp liên môn vào các trường học. Qua đó, các nhóm giáo viên sẽ cùng lên kế hoạch xây dựng dự án STEM tại các trường học bao gồm: bối cảnh thực tế, phương pháp dạy học, nguồn lực, phương pháp đánh giá, độ an toàn, liên môn tích hợp và liên kết ngoài trường học.
Hai ngày cuối cùng của chương trình tập huấn sẽ tập trung vào việc định hướng tầm nhìn STEM cho các nhà lãnh đạo trường học, giúp các nhà lãnh đạo xác định được lợi ích của giáo dục định hướng STEM đối với trường phổ thông, bao gồm phát triển năng lực suy nghĩ tích cực của học sinh, phối hợp hiệu quả giữa các môn học, tạo động lực học tập cho học sinh và thu hút sự tham gia của phụ huynh. Ngoài ra, những kinh nghiệm quản lý từ các trường tại Vương quốc Anh và thách thức trong việc xây dựng thời khóa biểu, không gian và sự tự tin của giáo viên cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong chương trình tập huấn.
Tham gia chương trình, các nhà lãnh đạo trường học còn được tập huấn về việc thiết lập mối quan hệ để tiếp tục được đào tạo về chuyên môn với các trường đại học, các trường công nghiệp và các tổ chức cung cấp giáo dục STEM. Qua đó, chương trình cũng đề ra vai trò của các tổ chức tham gia STEM như Đại học Bách Khoa và Đại học Giáo dục trong việc hỗ trợ đưa phương pháp dạy học tích hợp liên môn vào áp dụng tại các trường học.
Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi các chuyên gia về giáo dục STEM đến từ Vương quốc Anh làm việc với các lãnh đạo trường học và giáo viên Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục STEM của Vương quốc Anh. Phương pháp tiếp cận STEM sẽ truyền cảm hứng và kích thích trí tò mò, ưa khám phá của học sinh. Buổi tập huấn được thiết kế và hướng dẫn bởi các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh nhằm dạy học sinh cách tư duy như nhà khoa học về những vấn đề thực tế của cuộc sống. Phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam sẽ giúp tạo nên một thế hệ những nhà nghiên cứu giỏi, sáng tạo và ham học hỏi, những người có thể đóng góp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai”.