Thứ Sáu 24 Tháng Hai 2017

 

Tọa đàm chính sách Phát triển và Thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam diễn ra hôm nay tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức sau khi Thủ tướng phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10 năm 2016 bao gồm 8 bậc: Sơ cấp (ba bậc), Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được. Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ (AQRF), tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao.

Để Khung trình độ quốc gia đi vào thực tế, sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia quốc tế cũng như các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là điều kiện bắt buộc. Trong bài phát biểu của mình tại tọa đàm, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh đã khẳng định bốn trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng, hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học, khung tham chiếu trình độ ASEAN, quản lý và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng cục Dạy nghề, Hội đồng Anh Việt Nam đã và đang thực hiện nghiên cứu khả thi để tiến tới việc thực hiện thí điểm phát triển Khung trình độ quốc gia với trọng tâm là xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề thuộc bốn lĩnh vực bao gồm Kế toán, Xây dựng và Vật liệu, Dệt May và Công nghệ thông tin.

Chuyên gia về khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh Stirling Wood đã giới thiệu về cách nước Anh bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng khung trình độ này. Ví dụ, tại Anh, việc thực hiện Khung trình độ quốc gia ở cấp dạy nghề trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi Khung trình độ quốc gia được thông qua về mặt chính sách, các cơ quan kiểm soát và kiểm định sẽ lập ra các tiêu chí kiểm định để các tổ chức cấp bằng hiểu và nắm vững. Trong giai đoạn hai, các tổ chức cấp bằng phối hợp cùng các trường và đơn vị đào tạo, tổ chức ngành nghề và các doanh nghiệp phát triển bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề và bằng cấp tương ứng. Chuẩn đầu ra này được trình lên các tổ chức kiểm định phê duyệt và công nhận. Trong giai đoạn ba, các cơ quan kiểm định sẽ liên tục thanh tra chất lượng để đảm bảo các tổ chức cấp bằng hoạt động hiệu quả nhất. Trong quá trình thanh tra này, các cơ quan kiểm định sẽ phải điều chỉnh chuẩn đầu ra để đảm bảo chuẩn này vận hành theo yêu cầu thực tế, thay vì cố định qua thời gian. Chuẩn đầu ra sau khi được điều chỉnh và cập nhật lại quay trở lại cơ quan kiểm định để thông qua trước khi đưa vào thực hiện.

Để đảm bảo hiệu quả, chuẩn đầu ra được chia nhỏ theo từng tiêu chuẩn kỹ năng cụ thể. Điều này giúp cho tất cả các bên liên quan nắm rõ chuẩn đầu ra cũng như tiêu chí đánh giá, tránh những mơ hồ khi thực hiện. Ví dụ, với kỹ năng Dịch vụ Khách hàng bậc 1 trên khung trình độ, một trong những tiêu chuẩn sinh viên cần đạt là hiểu về những giá trị mà dịch vụ khách hàng tốt mang lại. Tiêu chí đánh giá bao gồm việc sinh viên nêu được những lý do tại sao dịch vụ khách hàng tốt lại quan trọng và đưa ra những ví dụ việc dịch vụ không tốt có thể ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng, tổ chức và nhân viên.

Những ví dụ và tiêu chí trên tuy không phải là mới trong quy trình kiểm tra đánh giá kỹ năng trong các tổ chức đào tạo tại Việt Nam; tuy nhiên, khi chúng được hệ thống tỉ mỉ thành văn bản, được sử dụng thống nhất trong tất cả các tổ chức đào tạo và được kiểm định liên tục thì giá trị của chúng trong việc chuẩn hóa đầu ra là rõ ràng. Với hệ thống chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ như vậy, nhân lực của một quốc gia sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ứng tuyển quốc tế khi từng kỹ năng nhỏ được chuẩn hóa để tiện so sánh và đối chiếu.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga một lần nữa khẳng định việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hợp tác quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm và cách thực hiện từ những quốc gia tiên tiến.

Trong hơn ba năm qua, Hội đồng Anh Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế và các hoạt động tập huấn xây dựng năng lực về khung trình độ quốc gia. Những hoạt động này giúp chia sẻ những bài học và cách thức thực hiện tốt nhất của quốc tế cũng như cách tiếp cận linh hoạt giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn lực trong quá trình đổi mới giáo dục, chuẩn hóa trình độ và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

 

Thông tin liên hệ cho báo chí

Vũ Hải Đăng
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh Việt Nam
20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
T +84 (0)4 38436780 (số máy lẻ1957)
F +84 (0)4 38434962
dang.vu@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi kiến tạo và thúc đẩy hiểu biết thân thiện giữa người dân tại Vương quốc Anh và trên thế giới. Từ nguồn tài nguyên văn hóa của Vương quốc Anh, chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin.

Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Mỗi năm, Hội đồng Anh làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 20 triệu người, tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với trên 500 triệu người. 

Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Phần lớn nguồn thu của Hội đồng Anh đến từ việc thực hiện các dự án và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh và thi cử, các hợp đồng giáo dục và phát triển, và các hoạt động hợp tác đối tác với các tổ chức công tư. Tài trợ đến từ Chính phủ Anh chiếm 18 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi.