Hôm nay 15 tháng Năm, tuần lễ Đa dạng 2015 được khởi động tại Hội đồng Anh. Đây là sáng kiến của Hội đồng Anh khu vực Đông Á với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng, đa dạng và cơ hội cho tất cả mọi người.
Tuần lễ Đa dạng tại Hội đồng Anh dành cho nhân viên, khách hàng, học viên và đối tác của Hội đồng Anh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động phong phú. Trong tuần từ 15 đến 24 tháng Năm, các hoạt động như danh ngôn trong ngày về bình đẳng, đa dạng và hòa nhập, phim ngắn nằm trong khuôn khổ dự án fiveFilms4freedom về nâng cao nhận thức về đồng tính, cuộc thi ảnh dành cho nhân viên Hội đồng Anh, bữa trưa tôn vinh sự đa dạng trong ẩm thực, lớp học ngôn ngữ ký hiệu, Pink Day - Trò chuyện về Ung thư vú (phối hợp cùng We care for her).
Với học viên Hội đồng Anh, tuần lễ Đa dạng sẽ mang lại cho họ những bài học và kiến thức thú vị về những chủ đề như khuyết tật, lứa tuổi và sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, myClub – câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng tiếng Anh dành cho học viên Hội đồng Anh sẽ có những chủ đề thảo luận thú vị như nhân quyền, nhập cư, phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, hôn nhân đồng giới, sự đa dạng trong gia đình. Chủ đề World Toilet Day sẽ mang lại cho học viên hiểu biết mới như hiện tại vẫn có tới một tỷ người trên trái đất vẫn không được sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, tại thành phố Hồ Chí Minh, các bậc phụ huynh cũng sẽ được tìm hiểu về vấn đề đa dạng qua buổi hội thảo với chủ đề Bình đẳng trong lớp học.
Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, nói: “Bình đẳng, đa dạng và sự tham gia của mọi người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong hoạt động hợp tác văn hóa của Hội đồng Anh trên khắp thế giới. Tinh thần bình đẳng, đa dạng và hội nhập góp phần tạo nên sự tin tưởng chung, tinh thần tôn trọng và hiểu biết mà Hội đồng Anh luôn hướng tới với vai trò là một cơ quan hợp tác văn hóa quốc tế của Vương quốc Anh. Chính sách Bình đẳng của Hội đồng Anh thể hiện cam kết không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào với mọi người dựa trên tuổi tác, giới tính, khuyết tật, tôn giáo và niềm tin, định hướng giới tính, dân tộc và sự cân bằng giữa đời sống và công việc.”