Nằm trong khuôn khổ chương trình Hội thảo kết nối các nhà khoa học Vương quốc Anh – Việt Nam (Researcher Links workshop), hội thảo quốc tế với chủ đề “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng” sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 25 tháng Năm 2018 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Được tổ chức đúng vào ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam, 22 tháng Năm, hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Newton Fund và do Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai, với mục tiêu đưa ra cái nhìn tổng quan về các thảm họa thiên nhiên tại các siêu đô thi trên lưu vực sông, cụ thể là khu vực lưu vực đồng bằng sông Hồng - Hà Nội (RRHD).
Hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng” đánh dấu sự hợp tác nghiên cứu quốc tế giữa Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường (FIMO Center), Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Cục Thăm dò Địa chất Anh quốc (British Geographical Survey).
Lưu vực đồng bằng sông Hồng cung cấp nguồn lương thực, năng lượng, nước và các nguồn lực kinh tế - xã hội quan trọng cho khoảng 30 triệu người dân tại khu vực phía Bắc. Hiện nay, các nguy cơ tiềm ẩn về dân số cũng như sinh kế trong lưu vực đang là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao cũng như các thay đổi về quản lý và quy hoạch đất đai. Các mối liên hệ giữa thảm họa thiên nhiên cũng như tác động của chúng đến người dân đã và đang cho thấy khả năng xảy ra các đa tai biến trên lưu vực. Chính vì vậy, bằng việc phát triển sự hiểu biết toàn diện, liên ngành về lưu vực, mục tiêu của hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng” là hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực RRHD thông qua việc cung cấp giải pháp chống chịu và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên. Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra là cần thiết phải có một sự phối hợp liên ngành giữa các nhà khoa học tự nhiên và xã hội cũng như các cơ quan chức năng, những người dân trong lưu vực. Hệ thống giám sát môi trường mới sẽ là sự kết hợp của cơ sở hạ tầng cứng (khả năng thu thập dữ liệu và giám sát thông qua cảm biến phân tán và độc lập) và cơ sở hạ tầng mềm (khoa học công dân, các mô hình tiên đoán, việc phân tích hành vi của con người).
Hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng” có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Vương quốc Anh như: British Geographical Survey, Đại học University College London, Đại học Dundee, Đại học Loughborough, Đại học East Anglia, Đại học Birmingham, Đại học Portmouth, Đại học Hull, Đại học Bournemouth, Đại học Liverpool, Đại học Southampton, Trung tâm Hải dương học Quốc gia cùng 20 nhà nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có đại diện đến từ Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong năm ngày diễn ra hội thảo, các nhà khoa học của cả hai quốc gia Anh và Việt Nam sẽ cùng thảo luận và xác định về các vấn đề: (i) mối liên hệ giữa các thảm họa thiên nhiên trong lưu vực RRHD và (ii) các dữ liệu kinh tế và xã hội cần thiết để phát triển các dự báo hữu ích cho các cấp quản lý và người dân về nguy cơ và tác động tiềm ẩn của các thảm họa thiên nhiên trong lưu vực.
Các chủ đề thảo luận của hội thảo bao gồm nhưng không giới hạn:
- Ví dụ về các mối liên hệ giữa các thảm họa thiên nhiên và khả năng xảy ra các đa tai biến trong khu vực;
- Sự cần thiết của các hệ thống phản ứng linh động với sự tham gia của nhiều nhóm ngành nhằm đối phó với các thảm họa thiên nhiên;
- Các hoạt động cũng như mô hình kinh tế - xã hội của người dân trong bối cảnh các mối nguy hiểm có thể xảy ra;
- Nhu cầu dữ liệu: địa không gian, kinh tế xã hội cũng như tập quán.
Mục tiêu đạt được từ kết quả của hội thảo sẽ bao gồm một chiến lược và lộ trình cho việc phát triển các kỹ năng nghiên cứu cũng như việc xây dựng cộng đồng nghiên cứu ở cả hai quốc gia cho việc giám sát lưu vực sông Hồng.
Thông tin chi tiết về hội thảo có thể truy cập website.