Tiến sỹ Jamie Dunlea, Nghiên cứu viên cấp cao, Nhóm Nghiên cứu Khảo thí Ngôn ngữ, Hội đồng Anh, Vương Quốc Anh ©

British Council

Chủ đề Hội nghị

Kiểm tra đánh giá theo hướng chuẩn hóa, việc phát triển và sử dụng các khung năng lực để đánh giá trình độ ngoại ngữ: giải quyết các thách thức tại địa phương, chinh phục chuẩn quốc tế.

Các chủ điểm của Hội nghị

1. Kiểm tra đánh giá theo hướng chuẩn hóa

Mặc dù ý tưởng về “các kỳ thi chuẩn hóa” đã ra đời tại Trung Quốc dưới thời Nhà Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220), ứng dụng của cách tiếp cận này trong đánh giá năng lực ngôn ngữ mới chỉ bắt đầu vào đầu thế kỷ 20. Các kỳ thi chuẩn hóa ra đời đã mang lại cơ hội bình đẳng, thúc đẩy công bằng xã hội và chính sách trọng dụng nhân tài, cũng như cho phép so sánh điểm số của người thi, nhờ vào độ tin cậy của quy trình tổ chức thi, các yêu cầu của bài thi và quy trình chấm thi. Tuy nhiên, các kỳ thi chuẩn hóa cũng bị phê phán bởi các hệ quả tiêu cực, như tình trạng dạy học chỉ để làm bài thi, hay thậm chí còn được xem như là một cơ chế để kiểm soát giáo viên và hệ thống giáo dục. Các tranh luận vẫn tiếp diễn và nội dung này cũng liên quan mật thiết tới các nhà lãnh đạo giáo dục của khu vực, những người đang chịu trách nhiệm cho các chương trình cải cách giáo dục trong giảng dạy và khảo thí tiếng Anh, cũng như chịu trách nhiệm đặt ra về các tiêu chuẩn thông thạo ngoại ngữ cho giảng viên và sinh viên.

Các tham luận của Hội nghị xoay quanh chủ đề kiểm tra đánh giá theo định hướng chuẩn hóa, cụ thể là tập trung phân tích làm thế nào để cách thức này có thể giúp đạt được những tham vọng của khu vực Đông Á về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên và người học. Các tham luận có thể mang tính lý thuyết hoặc thực tiễn, trong đó chúng tôi dành ưu tiên cho các tham luận trình bày về các giải pháp. 

2. Khung năng lực ngoại ngữ

Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR), khung năng lực ngoại ngữ được sử dụng phổ biến và có tầm ảnh hưởng lớn nhất, đã được ứng dụng rộng rãi trong phát triển giáo án, tài liệu và bài kiểm tra. Mặc dù CEFR đã chứng tỏ là một khung năng lực hữu ích, là nền tảng của nhiều bài kiểm tra ngoại ngữ, nó vẫn bị phê phán là thiếu một nền tảng lý thuyết hoàn chỉnh, với bộ mô tả chưa đầy đủ. Một cuộc tranh luận hiện cũng đang nổ ra, xoay quanh việc áp dụng CEFR vào các ngôn ngữ không thuộc Châu Âu và  một số quốc gia tại Đông Á hiện đã mở rộng và cải tiến khung CEFR (ví dụ: Nhật Bản), hoặc đang trong quá trình tự phát triển khung năng lực ngoại ngữ riêng (ví dụ: Trung Quốc) hoặc xem xét xây dựng một khung năng lực riêng (ví dụ: Việt Nam) hoặc đang tham chiếu các bài thi của mình theo chuẩn CEFR. 

Các tham luận của Hội nghị xoay quanh việc sử dụng và cải tiến các khung năng lực ngoại ngữ hiện nay, hoặc xoay quanh sự phát triển và công nhận các khung năng lực ngoại ngữ chuyên biệt cho quốc gia, cũng như việc công nhận các bài kiểm tra được phát triển theo các khung năng lực cụ thể.

3. Đánh giá dựa trên năng lực

Quá trình phát triển, tổ chức thi và cho điểm một khối lượng lớn bài thi kỹ năng nói và viết theo hướng dựa trên năng lực chứa đựng nhiều thách thức. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra đánh giá này mang lại nhiều lợi ích, như cho phép đánh giá năng lực của người thi rộng hơn, thay vì chỉ đơn thuần đánh giá năng lực ngôn ngữ. Đồng thời, phương pháp này cũng bổ sung cho những kết luận dựa trên kết quả thi, bởi người học phải thực hiện các dạng nhiệm vụ tương đồng với những tình huống họ gặp bên ngoài bối cảnh thi. Thêm nữa, với cách thức này, tác động tích cực dội ngược của các bài kiểm tra tới các hoạt động dạy và học cũng được ghi nhận. Hội nghị sẽ hướng tới những giằng co đang tồn tại giữa các mục tiêu của khu vực trong việc giúp người học có khả sử dụng tiếng Anh hiệu quả để giao tiếp, và những thách thức trong việc tổ chức thi và chấm điểm bài thi nói và viết dựa trên năng lực cho số đông. 

Tại Hội nghị, các tham luận xoay quanh chủ đề nhánh đánh giá dựa trên năng lực, đặc biệt tập trung vào các giải pháp để giảm thiểu những căng thẳng nêu trên.