©

British Council

Các ngành công nghiệp văn hóa đã là điểm nhấn của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ qua. Hội nghị Liên Hiệp Quốc tế về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) trong báo cáo đưa ra năm 2010 đã ước tính tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo trên toàn cầu đạt mức 592 tỷ mỹ kim trong năm 2008. Gần đây tại khu vực Đông Nam Á, các ngành công nghiệp văn hóa cũng được xác định có vai trò chủ lực đóng góp vào phát triển kinh tế. Tuy vậy ở Việt nam, công nghiệp văn hóa vẫn ở tầm khá nhỏ do chưa phát huy được hết các nguồn lực và tiềm năng. Việt Nam cần thúc đẩy các nhân tố về chiến lược, khuôn khổ, và điều tiết để phân bổ các nguồn lực và tận dụng các tiềm năng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa. 

Trước nhu cầu cần phát triển công nghiệp văn hóa mạnh hơn nữa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự hỗ trợ của UNESCO và Hội đồng Anh, đã khởi xướng một dự án kéo dài hai năm từ 2014-2016 để nghiên cứu và soạn thảo Chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Vào tháng 9/2016, chiến lược đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt qua Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016.

Bản dự thảo chiến lược cuốc gia này đưa ra phân tích về lý do tại sao Việt nam cần có một chiến lược quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, và sơ lược tổng quan về tình hình hiện tại của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Bản dự thảo cũng trình bày về những mục tiêu chính và chủ đề trọng tâm của chiến lược quốc gia, đồng thời đưa ra một bản kế hoạch hành động với những hành động cụ thể cần được triển khai ngay lập tức cũng như trong ngắn hạn và dài hạn, để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.