©

British Council

Think TNE: Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam là một trong các hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, và 30 năm Hội đồng Anh tại Việt Nam.  

Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Hội đồng Anh tại Việt Nam, hơn 15 trường đại học và tổ chức chuyên môn của Vương quốc Anh và gần 200 đại biểu đến từ các trường đại học Việt Nam và các tổ chức quốc tế.  

Số lượng tuyển sinh các chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) của Vương quốc Anh tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19. Việt Nam là thị trường TNE lớn thứ năm của Vương quốc Anh ở Đông Á và lớn thứ ba ở Đông Nam Á với số lượng tuyển sinh cao nhất vào năm 2021. Thị trường giáo dục xuyên quốc gia của Việt Nam tuy nhỏ đối với Vương quốc Anh nhưng đang trên đà phát triển. Ở Việt Nam, các chương trình giáo dục xuyên quốc gia phổ biến hơn nhiều so với việc du học tại Vương quốc Anh và việc thúc đẩy quan hệ hợp tác TNE đòi hỏi sự nuôi dưỡng và đầu tư của các đối tác nước ngoài.  

Các chương trình giáo dục xuyên quốc gia của Vương quốc Anh đã hỗ trợ phát triển năng lực cho các nước đối tác. Các nước sở tại nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình TNE trong việc giúp nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học trong nước và tầm nhìn quốc tế của sinh viên, góp phần phát triển hệ thống thông qua quốc tế hóa, mở rộng các chương trình, mô hình và phương pháp giảng dạy, quy trình quản lý chất lượng, các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và nghiên cứu thông qua liên kết đào tạo bậc tiến sĩ.  

Quan hệ đối tác Anh-Việt trong giáo dục đại học dưới góc nhìn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: (1) Nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu; (2) Đảm bảo và kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng bên trong và tiêu chuẩn chương trình giảng dạy; (3) Chuyển đổi số trong giáo dục, nguồn tư liệu học tập mở và giáo dục công nghệ mở; và (4) Quốc tế hóa và hội nhập quốc tế.   

Môi trường pháp lý TNE tại Việt Nam thuận lợi và cởi mở so với các nước khác ở Đông Á. Một nghiên cứu chuyên sâu do Hội đồng Anh tài trợ so sánh môi trường pháp lý ở Việt Nam với bảy quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc, xác định các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc thu hút các tổ chức giáo dục nước ngoài và đưa ra các khuyến nghị nhằm tạo môi trường giáo dục xuyên quốc gia cạnh tranh hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các hoạt động TNE và nâng cao chất lượng của chương trình TNE tại Việt Nam.  

Think TNE: Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam MOU
©

British Council

Think TNE: Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam
©

British Council

Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam – Networking
©

British Council

Trong buổi tọa đàm, các nhà hoạch định chính sách và đại biểu đang thực hiện chương trình TNE đã thảo luận về khung pháp lý hiện hành, các chính sách thúc đẩy quan hệ hợp tác TNE, bối cảnh đầu tư và tiềm năng phát triển giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và thách thức trong việc triển khai các chương trình TNE tại Việt Nam.   

Việc duy trì các tiêu chuẩn và chất lượng cao cho hệ thống TNE đóng một vai trò quan trọng, trong đó bao gồm các yếu tố như phương pháp giảng dạy hiệu quả và sự xuất sắc trong học thuật, tầm quan trọng của tiếng Anh được sử dụng là phương tiện giảng dạy các chương trình TNE và tác động vào kết quả đầu ra, cũng như sự liên kết giữa các chương trình TNE và kỳ vọng của người sử dụng lao động.   

Để tái định hình quan hệ hợp tác TNE, cần xem xét đổi mới chương trình giảng dạy, bao gồm các kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi tốt nghiệp, vai trò của quan hệ đối tác trong việc phát triển các năng lực mới, ghi nhận tác động của các khóa học ngắn hạn được cấp chứng chỉ (micro-credentials) trong quá trình học tập suốt đời, và cân nhắc vai trò biến đổi của công nghệ. 

(Tóm tắt bởi Nguyễn Xuân Vang) 

Xem thêm

Thông tin liên quan