Hội đồng Anh tại Việt Nam vui mừng thông báo danh sách các dự án nhận được hỗ trợ trong khuôn khổ năm đợt nhận hồ sơ của Quỹ FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ), thuộc dự án Di sản Kết nối.
Đa dạng, thú vị, làm việc với nhiều sắc thái văn hóa, cũng như đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau, các dự án này đưa ra những đề xuất cho sự tương tác với di sản âm nhạc và phim, thông qua các dạng thức đương đại, nhằm đem đến lợi ích cho các cộng đồng di sản. Tổng giá trị của Quỹ FAMLAB là £100,000, các gói hỗ trợ sẽ được trao xuyên suốt hai năm của dự án.
Các dự án đã nhận được hỗ trợ gồm có:
Đợt 1
Tương lai của Truyền thống – chuỗi các workshop tại Hà Nội với sự tham gia của các nghệ nhân âm nhạc truyền thống cũng như các nghệ sĩ đương đại làm việc với chất liệu truyền thống.
Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2018: Cất lên Im lặng – chương trình tọa đàm và trình diễn về âm nhạc truyền thống của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Nguyễn Ngọc Vũ – một triển lãm đa phương tiện (tranh vẽ, video và sắp đặt) lấy cảm hứng từ nghệ thuật sân khấu truyền thống tuồng.
Góc chiếu bóng Việt – thư viện phim Việt Nam tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, cùng các sự kiện và hoạt động bên lề (chiếu phim, tọa đàm) về các khía cạnh khác nhau của điện ảnh Việt Nam.
Đợt 2
Âm nhạc của chúng mình – dự án nghiên cứu và giới thiệu về âm nhạc truyền thống của người H’Mong.
Thư viện Diễn xướng Nam Bộ – thư viện online xoay quanh các thể loại diễn xướng Nam Bộ.
Dự án Nghiên cứu Nhạc lễ Chức sắc Kadhar – nghiên cứu và giới thiệu về âm nhạc chức sắc Kadhar của dân tộc Chăm.
Âm sáng – triển lãm cá nhân của Nguyễn Huy An với các tác phẩm xoay quanh một số khía cạnh của các thể loại âm nhạc truyền thống.
Hiệu Ứng Bolero – dự án nghiên cứu mối liên hệ giữa nhạc Bolero và các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Họa âm xưa – dự án thu âm và trình diễn âm nhạc Việt Nam những năm 1960/1970.
Tôi Có Một Dân Tộc – dự án phim tài liệu về âm nhạc của người Pacoh tại Quảng Trị.
Đợt 3
See the Sound – dự án đa phương tiện (phim tài liệu, ấn bản sách và các sự kiện cộng đồng) của Fly on Dust Media House tìm hiểu về ký ức và căn tính qua các hành trình sáng tạo song song trong nhạc truyền thống Việt Nam và nhạc hip-hop ngầm, với sự tham gia của nghệ sĩ âm nhạc Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ beatbox Trung Bảo.
Khảo cứu Điện ảnh Sài Gòn 1954–1975 – dự án khảo cứu của nhà báo và cây bút điện ảnh Lê Hồng Lâm về các bộ phim và các nhà làm phim miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 1975, với một ấn bản sách sẽ được ra mắt bên cạnh sự kiện trình chiếu tác phẩm điện ảnh miền Nam phục chế.
Đoạn trường vinh hoa – phim tài liệu thời lượng dài do Lê Mỹ Cường đạo diễn và Thanh Nguyễn sản xuất – phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam – theo chân một gánh Tuồng cổ trong các chuyến lưu diễn qua các vùng quê đồng bằng Sông Cửu Long.
Đợt 4
Cát bụi và kim loại – dự án điện ảnh ‘sống’ (live cinema) của nghệ sĩ video người Anh Esther Johnson, do Live Cinema UK sản xuất. Cấu thành từ cả các tư liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng như các thước phim ngày nay do cộng đồng quay và đóng góp, qua mối quan tâm đến các hình ảnh của xe cộ và giao thông trải dài nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam, dự án gợi nhắc đến những hiện tượng văn hóa xã hội, trong một nỗ lực kết nối quá khứ, với một tương lai từng tồn tại trong quá khứ đó
Theo vết con hổ câm: Ghi hình Tây Nguyên qua âm thanh bản địa – dự án của nghệ sĩ hình ảnh động Nguyễn Trinh Thi, tái diễn giải và cấu trúc một bộ phim câm quay ở Tây Nguyên thập niên 1930, với các tư liệu quay mới cũng như phần âm nhạc thực hiện mới bởi các nghệ nhân âm nhạc Jrai.
Dự án của Liên hoan Nghệ thuật Flatpack – một tác phẩm kết hợp âm thanh-hình ảnh – xoay quanh rock ‘n’ roll Việt Nam những năm 1960-1970 – do Liên hoan Flatpack (Birmingham, Vương quốc Anh) hợp tác sản xuất cùng các nghệ sĩ âm nhạc và thị giác từ Việt Nam và Anh.
Truyền thuyết, linh hồn của trống Ginang và âm nhạc cổ truyền Chăm – dự án xoay quanh âm nhạc và di sản dân tộc Chăm, do nghệ sĩ/thi sĩ Inra Jaka thực hiện cùng các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu người Chăm và Việt, gồm một ấn phẩm nghiên cứu, các bản thu âm lưu trữ, các tác phẩm nghệ thuật, và phim tài liệu dự án.
Radio Giải phóng – một sắp đặt tương tác tìm hiểu về mối quan hệ giữa lịch sử điện ảnh và lịch sử một quốc gia. Với hướng tiếp cận đa phương tiện cũng như kết hợp các yếu tố đời thực và hư cấu, dự án có sự tham gia của nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Hồng Nhung (Sound Awakener), nhà nghiên cứu và phóng viên Vương quốc Anh Matthew Sweet, cùng nghệ sĩ video Esther Johnson.
Vườn Lài xứ sở diệu kỳ – các hợp tác và đóng góp từ nhiều cộng đồng khác nhau, dự án nghiên cứu và làm việc cùng các tư liệu hình ảnh động liên quan đến cộng đồng phi nhị giới tại Việt Nam. Dự án do Queer Forever thực hiện, gồm các hợp phần khác nhau: lưu trữ, trình chiếu, thảo luận và workshop.
Đợt 5
Đó là ở đâu? Đó là ở đây – một dự án tổng hợp nhằm giới thiệu các thực hành nghệ thuật của nhóm Đàn Đó và nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương. Dự án gồm một triển lãm kết hợp âm nhạc, hội họa và sắp đặt, đi kèm các sự kiện trò chuyện công chúng và workshop chuyên sâu. Một câu hỏi và cũng là một câu trả lời, chuỗi hoạt động của dự án Đó là ở đâu ? Đó là ở đây là cầu nối những câu chuyện vĩ mô về văn hóa, truyền thống và di sản, với chính những điều gần gũi nhất trong cuộc sống.
Tương lai của Truyền thống – Di sản có được bảo tồn và phát triển hay không là do thế hệ trẻ đối diện, quan tâm, nhận thức, tiếp cận và phát triển nó thế nào. Dự án Tương lai của Truyền thống nhìn nhận phản ứng của thế hệ trẻ với vấn đề di sản, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ đang đi tìm tiếng nói riêng của chính bản thân mình qua nền tảng văn hóa bản địa.
Hình của nhạc - Chương trinh lưu trú nhạc thể nghiệm Đom Đóm – Chương trình lưu trú và phòng thí nghiệm xúc tác đầu tiên dành riêng cho các hình thức âm nhạc mới do Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm khởi. Bốn nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ trẻ được trao cơ hội làm việc có chiều sâu với các loại hình, yếu tố đa dạng của các loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, với sự đồng hành của các cố vấn nhạc sĩ có bề dày hoạt động và cách tiếp cận di sản đa dạng để từ đó triển khai ý tưởng, sáng tác và thực hiện tác phẩm âm nhạc mới trong 6 tháng lưu trú. Đây là chương trình lưu trú đầu tiên tại Việt Nam danh riêng cho âm nhạc thể nghiệm với chủ đề tập trung cho năm đầu tiên là di sản.
Handle with Care : Vietnamese Archives Play Themselves – là một dự án hợp tác về phim nhằm khuyến khích việc sử dụng phim lưu trữ. Các bộ phim được lưu trữ không chỉ là phim, chúng còn là tài sản và kiến thức được lưu giữ bởi sự tận tụy của những người làm nghề, nhưng lại đang có nguy cơ bị mất đi. Dự án sẽ khai thác những nguồn phim lưu trữ, tiếp cận các hãng phim nhằm chia sẻ những hình ảnh động về đất nước và con người Việt Nam.
Số hóa Hát Bội – dự án do nhóm Đối thoại Văn hóa Cộng đồng (Community Cultural Discourse) thực hiện, xoay quanh các hoạt động lưu trữ, số hóa và chia sẻ các nguồn tư liệu liên quan đến Hát Bội qua nhiều thế kỷ, cùng các hoạt động và sản xuất ấn phẩm liên quan. Với sự tham gia của Đoàn Hát bội Ngọc Khánh và các cách làm sáng tạo, dự án sẽ giúp Hát Bội dễ tiếp cận hơn với giới trẻ và khán giả nước ngoài dưới hình thức kỹ thuật số.