Phụ nữ nhuộm vải thủ công ở Cao Bằng - Nguồn: VAWAA 

Đây là thông báo mời nộp hồ sơ cho chương trình nghiên cứu thực địa New For Old. Mục tiêu của chương trình là kiến tạo các cơ hội mới cho các nữ nghệ nhân và thợ làm nghề trong ngành thủ công ở khu vực Đông Nam Á. Chương trình do Hội đồng Anh Việt Nam, Myanmar và Thái Lan khởi xướng. Tại Việt Nam, chương trình sẽ triển khai tại các tỉnh phía Bắc. 

 

Lĩnh vực nghiên cứu

Nhân chủng học (một nhà nghiên cứu)

Doanh nghiệp xã hội/Sáng tạo xã hội (một nhà nghiên cứu)

Địa điểm nghiên cứu

Một số địa điểm tại tỉnh Lào Cai và Cao Bằng. 

Thời gian

Hai tuần - từ ngày 6 đến 20 tháng Mười Hai 2016

Mô tả chương trình

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ tại các quốc gia kể trên, chương trình ‘New for Old’ kiến tạo các cơ hội mới cho ngành thủ công, và đặc biệt hỗ trợ phụ nữ và các nghệ nhân ở lĩnh vực này. 

Mục tiêu chương trình

  1. Phát triển liên kết giữa cộng đồng thủ công địa phương và các nhà thiết kế thông qua các chương trình đào tạo, từ đó mang lại lợi ích cho các nghệ nhân làm nghề truyền thống, đặc biệt là phụ nữ.  
  2. Tăng cường tính xác thật của các sản phẩm địa phương bằng cách phối hợp sáng tạo chính những bản sắc văn hóa của địa phương đó. 
  3. Khuyến khích các đặc tính môi trường và văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống thông qua các mô hình doanh nghiệp xã hội và hội chợ thương mại. 

Bối cảnh

Mục tiêu của chương trình thực địa là thu thập những thông tin và bằng chứng về bối cảnh văn hóa địa phương của cộng đồng nghệ nhân ở miền Bắc Việt Nam 

Nhằm mục đích này, hai chuyên gia được lựa chọn sẽ làm việc trong các nhóm đa ngành gồm bốn người và được một hoặc hai chuyên gia địa phương chỉ dẫn tại nhiều địa điểm khác nhau ở các khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Cao Bằng 

Trong thời gian hai tuần, họ sẽ ghi chép và suy nghĩ về tiềm năng của các di sản văn hóa địa phương và kỹ năng tay nghề, với sự hợp tác của hai nhà thiết kế hiện đang theo học tại trường Royal College of Art, cơ sở đào tạo hàng đầu về nghệ thuật và thiết kế tại London.

Chương trình cho mỗi quốc gia sẽ được lên kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng kết hợp với các đối tác của Hội đồng Anh tại các quốc gia sở tại, và sẽ được chia sẻ tại Buổi định hướng nghiên cứu tại Tuần lễ Thiết kế Chiang Mai vào ngày 5 tháng 12 năm 2016. 

Hai chuyên gia cũng sẽ được mời tham dự Hội nghị Craft Reveals do Hội đồng Anh tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Chiang Mai 2016. 

Kết quả mong đợi của Chương trình Nghiên cứu thực địa

Tăng cường sự hiểu biết về bối cảnh văn hóa và bản sắc độc đáo của địa phương; từ đó tạo ra những cơ hội mới cho các phụ nữ làm nghề dệt tại khu vực Đông Nam Á. 

 

Yêu cầu ứng viên

Hội đồng Anh tìm kiếm hai chuyên gia đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

1. Chuyên gia về nhân học

  • Có chuyên môn về các ngành nghề thủ công cũng như cộng đồng nghề ở khu vực nông thôn, bao gồm ở các nhóm dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam.
  • Có kinh nghiệm với việc thu thập thông tin ở các cộng đồng địa phương, môi trường và sinh kế tự nhiên của họ.
  • Hiểu biết về nghề dệt truyền thống ở miền Bắc Việt Nam.
  • Hiểu biết về những thay đổi trong xã hội gần đây có ảnh hưởng đến cộng đồng nông thôn ở miền bắc Việt Nam.
  • Có khả năng ghi chép các tài liệu nghiên cứu và đóng góp cho tạp chí khoa học.
  • Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
  • Có khả năng làm việc trong một nhóm đa ngành và đa văn hóa. 

2. Chuyên gia về Doanh nghiệp xã hội

  • Có chuyên môn về các mô hình doanh nghiệp xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn hoặc các cộng đồng các ngành nghề thủ cộng
  • Nhận thức của các mô hình doanh nghiệp xã hội mới đang được áp dụng tại các quốc gia khác nhau trong khu vực và trên thế giới
  • Hiểu biết về khuôn khổ đạo đức và thương mại công bằng (fair trade), đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may.
  • Hiểu biết về trách nhiệm môi trường và chuỗi giá trị xanh.
  • Có kinh nghiệm phát triển các chương trình đào tạo hoặc xây dựng năng lực nhằm tạo ra các ảnh hưởng xã hội
  • Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
  • Có khả năng làm việc trong một nhóm đa ngành và đa văn hóa.

Công việc cần thực hiện

  • Mô tả địa điểm và con người dưới dạng nhật ký (có thể là nhật ký hành trình) về mỗi nơi đã đến thăm
  • Phỏng vấn người dân địa phương bao gồm các thợ làm nghề, thợ dệt, hoặc các nhóm khác trong cộng đồng, vv để thu thập thông tin về tổ chức xã hội, lối sống, nhu cầu và các quan tâm của họ.
  • Hình ảnh về bối cảnh địa phương bao gồm người dân, các sinh hoạt văn hóa và môi trường xung quanh.
  • Liệt kê các cơ hội và thách thức của các nghệ nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái
  • Bản đề xuất cách tiếp cận sáng tạo cho hàng thủ công, đặc biệt trong mối quan hệ bảo tồn văn hóa và môi trường bền vững, cũng như đào tạo và xây dựng năng lực cho phụ nữ.
  • Các nội dung khác có liên quan đến sự phát triển của thủ công bền vững và bản sắc địa phương.
  • Quan sát về học tập và giáo dục trong các ngành nghề thủ công (ví dụ các công cụ học tập hiện tại và mô hình giáo dục sử dụng để đào tạo các nghệ nhân ở địa phương.)
  • Danh sách các mô hình kinh doanh và phương pháp thiết kế được sử dụng bởi các doanh nghiệp địa phương và cộng đồng.
  • Đánh giá mức độ nhận thức và áp dụng các thực hành bền vững (ví dụ kỹ thuật sản xuất, sử dụng vật liệu, ...v...v) và nhận thức về đạo đức trong các cộng đồng địa phương.

Chuyên gia sẽ nhận được

  • Khoản chi phí cho nghiên cứu trả một lần 20,000,000 đồng (chưa bao gồm thuế)
  • Vé máy bay khứ hồi tới Chiang Mai, Thái Lan tham dự Tuần lễ thiết kế Chiang Mai và Buổi định hướng nghiên cứu
  • Vé máy bay khứ hồi London (Anh) và chỗ ở trong các sự kiện công chúng tháng 5 năm 2017.
  • Công tác phí trong suốt thời gian làm việc và tham dự các sự kiện liên quan
  • Chỗ ở tại các địa điểm làm việc trong suốt thời gian thực hiện nghiên cứu
  • Chi phí đi lại trong thời gian làm việc
  • Hỗ trợ tài chính đối với các vật liệu nếu cần thiết.

Kế hoạch triển khai dự án

28 Tháng 10 năm 2016: Thông báo mời nộp hồ sơ 

7 Tháng 11 năm 2016: Hết hạn nộp hồ sơ

14 Tháng 11 năm 2016: Thông báo kết quả

3-5 Tháng 12 năm 2016: Tuần lễ Thiết kế tại Chiang Mai và Buổi định hướng nghiên cứu

6 Tháng 12 năm 2016: Bắt đầu chương trình thực địa

20 Tháng 12 năm 2016: Kết thúc chương trình thực địa

10-31 Tháng 3 năm 2017: Trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội

3-7 Tháng 3 năm 2017: Triễn lãm tại Aram Gallery trong thời gian tuần lễ London Craft Week (Vương quốc Anh)

Cách thức đăng ký

Vui lòng gửi hồ sơ tới địa chỉ nga.phan@britishcouncil.org.vn 

Hồ sơ bằng tiếng Anh, bao gồm: 

1. Thư xin tham dự trong đó nêu rõ: 

  • Lý do quan tâm tới chương trình nghiên cứu thực địa
  • Mối liên hệ giữa thực hành hiện tại của bạn và chương trình nghiên cứu thực địa
  • Cơ hội này sẽ mở rộng, phát triển thực hành hiện tại của bạn như thế nào

2. Tóm lược về bản thân (Resumé)

3. Trang web những tác phẩm của bạn (nếu có)

4. Các bài viết, bài báo về bạn và nghiên cứu của bạn (nếu có)

5. Các tài liệu khác (nếu có)

Chúng tôi sẽ liên lạc với ứng viên có hồ sơ được chọn vào vòng phỏng vấn.  

Thông tin liên hệ

Phạm Minh Hồng 
Quản lý Nghệ thuật
Hội đồng Anh tại Việt Nam
hong.pham@britishcouncil.org.vn

Sali Sasaki
Quản lý Chương trình Khu vực
Hội đồng Anh tại Đông Á
Sari.Sasaki@britishcouncil.org.th