Tổng quan
Di sản Văn hóa cho sự Phát triển Đồng đều là chương trình nghiên cứu hành động của Hội đồng Anh, triển khai tại Colombia, Kenya, và Việt Nam, nhằm tìm hiểu việc sử dụng di sản văn hóa để phát triển và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Di sản văn hóa trong khuôn khổ chương trình này bao hàm nhiều nội dung, từ môi trường văn hóa tới các truyền thống văn hóa như âm nhạc và ngôn ngữ. Phát triển đồng đều được hiểu là làm việc cùng và với mọi đối tượng trong xã hội nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế với sự gia tăng của nghèo đói và bất công.
Chúng tôi tin rằng khi con người được tham gia, học hỏi, trân trọng và phát huy di sản văn hóa của mình, điều này sẽ đóng góp cho sự phát triển cả về kinh tế lẫn xã hội. Cách tiếp cận ‘đồng đều’ là hướng tới mọi đối tượng, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội tốt hơn. Di sản được sử dụng theo cách này sẽ là một nguồn lực bền vững, như một cách để đảm bảo sự tăng trưởng trong xã hội và tôn vinh những giá trị của quá khứ trong thế giới thay đổi liên tục của hiện tại.
Để có thêm thông tin về nghiên cứu và cách tiếp cận là nền tảng của chương trình đa vùng, đa quốc gia này, vui lòng tham khảo tại www.britishcouncil.org/arts/culture-development/cultural-heritage
Tại Việt Nam, dự án này làm việc trực tiếp với di sản nhạc và phim, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một, và bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Di sản văn hóa cộng đồng, và Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án hướng tới việc kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.
Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực (bao gồm truyền nghề bằng hình thức truyền miệng), thử nghiệm và sáng tạo, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), và hỗ trợ việc phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại.
Quỹ FAMLAB
Quỹ FAMLAB sẽ hỗ trợ £100,000 (tương đương khoảng ba tỷ đồng) nhằm góp phần hỗ trợ những dự án về di sản nhạc và phim của Việt Nam qua các phương thức biểu đạt đương đại.
Quỹ FAMLAB hướng tới việc hỗ trợ các dự án làm việc với di sản âm nhạc và phim của Việt Nam thông qua các thực hành đương đại, khuyến khích những nhà thực hành nghệ thuật và văn hóa khai thác những phương thức sáng tạo mới để tương tác với khán giả cũng như tạo ra các nhóm khán giả mới cho di sản phim/âm nhạc Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn nhận được đề xuất của các dự án hợp tác và sáng tạo có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài, trong đó bao gồm việc hỗ trợ sinh kế của cộng đồng những người sở hữu di sản, và từ đó mang lại lợi ích cho ngành di sản ở Việt Nam.
Quỹ FAMLAB tạo cơ hội cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh, hoặc hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, có hoạt động dưới bất kỳ hình thức biểu đạt nghệ thuật/sáng tạo nào.
Các loại hình dự án được xem xét để nhận gói hỗ trợ bao gồm:
- Sáng tạo và trình bày âm nhạc, phim, video và các tác phẩm có sử dụng phối hợp các yếu tố âm nhạc, phim và video
- Lưu trữ nhạc và phim, đặc biệt là việc quản lý, phát triển và quảng bá kho lưu trữ này
- Nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm có đóng góp vào sự tăng trưởng và bền vững trong lĩnh vực này.
Mỗi gói hỗ trợ có giá trị từ £3,000 – £10,000 (khoảng 90 triệu đến 300 triệu đồng).
Từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019 có bốn mốc mở hồ sơ như sau:
Mốc 1 – Hạn nộp hồ sơ: 15/10/2018
Mốc 2 – 15/12/2018
Mốc 3 – 15/5/2019
Mốc 4 – 15/8/2019
Các thông tin chi tiết, bao gồm hướng dẫn nộp hồ sơ và thông tin liên hệ, vui lòng xem tại trang web dưới.