©

British Council

Vũ Thảo là nhà thiết kế, sáng lập và sở hữu nhãn hiệu thời trang sử dụng chất liệu hoàn toàn tự nhiên Kilomet 109. Chị đoạt giải thưởng Doanh nhân trẻ sáng tạo trong ngành thiết kế/thời trang của Hội đồng Anh năm 2014. Từ đó, Kilomet109 ngày càng thành công, còn mối liên hệ giữa chị Vũ Thảo và Hội đồng Anh ngày càng gắn bó sâu đậm hơn lúc nào không biết.

Giải thưởng Doanh nhân trẻ sáng tạo trong ngành thiết kế/ thời trang (YCE) của Hội đồng Anh là giải thưởng ra đời đúng lúc vì “Việt Nam cần nhà thiết kế có cả kỹ năng kinh doanh”, hơn là những gì nặng về biểu diễn. Đó là lý do chị Vũ Thảo đã quyết định tham gia cuộc thi với, dòng sản phẩm thời trang cao cấp, hiện đại, tinh tế từ vải dệt, nhuộm hữu cơ. 

Giải thưởng 2014 của Hội đồng Anh đã “đưa” chị Vũ Thảo tới Vương quốc Anh tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo về thiết kế toàn cầu ở London, và được các chuyên gia London trang bị thêm những kiến thức không chỉ về thiết kế mà về kinh doanh, xây dựng thương hiệu, công nghệ thiết kế, khả năng dự đoán xu hướng, tư duy thiết kế sáng tạo... “Đấy là một động thái rất chuyên nghiệp và hữu hiệu của Hội đồng Anh”, chị Thảo nhận xét, bởi đó chính xác là những gì chị cần.

Giải thưởng YCE đã hỗ trợ chị Vũ Thảo về nhiều mặt, và có tác động sâu hơn sự tưởng tượng của chị: “Khi có một tổ chức như Hội đồng Anh - một cộng đồng tri thức xắn tay hỗ trợ thì mình rất may mắn. Thời trang ở Việt Nam thường bị định dạng là những thứ nặng về hình ảnh, và khi nó được công nhận bởi giới tri thức, giá trị đó tăng lên rất nhiều. Định nghĩa về nghề nghiệp của mình cũng nghiêm túc hơn. Qua Hội đồng Anh mình được tiếp xúc với giới nghiên cứu từ nghiên cứu chất liệu, thiết kế, xã hội học, kinh tế học ...nhãn hiệu của mình dần trở thành một mô hình để không chỉ người trong giới “mổ xẻ”. Và như thế nó tạo cho Kilomet109 sức ảnh hưởng sâu hơn, bản thân mình cũng thấy vững tin hơn”.

Hai năm sau, khi Kilomet109 mở rộng hợp tác với nhóm nghệ nhân, từ một tăng lên thành bốn, cùng lúc hoàn thiện bộ sưu tập PHIÊU, Vũ Thảo được Hội đồng Anh mời hợp tác cho dự án New for Old nhằm thúc đẩy quan hệ giữa nhà nữ thiết kế và cộng đồng nghệ nhân địa phương, bao gồm hoạt động ra mắt của bộ sưu tập PHIÊU thông qua một triển lãm đa phương tiện (thời trang, nhiếp ảnh, vẽ minh họa) do Hội đồng Anh hỗ trợ về tài chính. Triển lãm đã ghi được dấu ấn đáng kể, vì nó đưa cái nhìn sâu và đa chiều hơn về thủ công và thiết kế đương đại, trong đó chất liệu thủ công không còn được xem như sản phẩm mỹ nghệ. Đối với Vũ Thảo, đó là một dự án lớn và ý nghĩa. 

Ngay sau đó, Hội đồng Anh tiếp tục duy trì mối quan hệ với chị Vũ Thảo qua dự án Crafting Future và cuộc thi Craft and Design Challenge 2017 trong đó chị được mời tham gia như một trong những cố vấn thí sinh, hướng dẫn họ cách tiếp cận với các quy trình, thao tác thủ công của những nghệ nhân địa phương. Đến lúc này thì chị Thảo nhận ra mối quan hệ giữa chị và Hội đồng Anh đang dần dần như một “mạng nhện”.

Chị Vũ Thảo đánh giá sự sâu sắc và mục tiêu lâu dài trong các dự án về thiết kế và thủ công nói trên của Hội đồng Anh. Các dự án khác mà chị Vũ Thảo được biết không có tác động lâu dài sau khi kết thúc, trong đó nghệ nhân không được làm chủ, họ chỉ như một cái máy thụ động trong một quy trình, họ không biết sẽ làm gì tiếp sau khi dự án kết thúc. Còn Hội đồng Anh thì “mưa dầm thấm lâu”, tập trung vào đào tạo các kỹ năng ở nhiều công đoạn và sử dụng nhà thiết kế làm cầu nối với nghệ nhân, giúp nghệ nhân có cái nhìn xa hơn, tạo khả năng tự vấn, tự túc, chủ động tìm thị trường và giúp nghệ nhân trang bị thêm kiến thức về thiết kế. “Khi ấy cái nhìn của họ về nghề khác hẳn, mạnh dạn hơn, định giá tốt hơn về nghề thủ công của họ, coi trọng hơn vị thế văn hoá của họ”, chị Thảo nhận xét. Nhờ được đào tạo, người tham gia dự án có thể tự kiếm được tiền, hơn là một khoản tiền cho sẵn từ dự án. Việc tạo được sự chủ động cho nghệ nhân là cái “được nhất” trong các chương trình của Hội đồng Anh, theo đánh giá của chị Vũ Thảo. 

Trong khi bài viết này đang được hình thành, thì nhà thiết kế Vũ Thảo đang ở Vương quốc Anh để tham gia sự kiện về thiết kế có ảnh hưởng toàn cầu London Design Biennale cùng với một số nghệ sỹ khác nhằm giới thiệu với công chúng gương mặt thời trang – nghệ thuật đa phương tiện từ Việt Nam đương đại. Đây không phải là một dự án hợp tác trực tiếp với Hội đồng Anh nhưng cũng xuất phát từ một sự kiện mà Vũ Thảo đã tham gia cùng với Hội đồng Anh, thể hiện tính chất “mạng nhện” của mối quan hệ.

Khi trở về Việt Nam, Vũ Thảo sẽ cho ra mắt bộ sưu tập tiếp theo của Kilomet109. Sau mỗi bộ sưu tập, nhóm nghệ nhân chị cộng tác lại tăng lên cả về số lượng và khu vực địa lý, còn khách hàng và hệ thống phân phối của Kilomet109 dần dần lan rộng: Việt Nam, Nhật, Úc, châu Âu, Mỹ.

“Sức ảnh hưởng và mối quan hệ của Hội đồng Anh sâu và rộng hơn sự tưởng tượng ban đầu của mình.”