Ngày 24 tháng 3 năm 2017, sau nhiều lần thử nghiệm, bệnh viện 108 đã thực hiện thành công ca mổ thay thế xương hàm phải của một bệnh nhân nhờ việc ứng dụng kỹ thuật một loạt kỹ thuật cao cấp gồm mô phỏng, tính toán, thiết kế ngược và tạo mẫu nhanh và in 3D. Những kỹ thuật này cho phép bác sỹ phẫu thuật và các nhà khoa học phân tích, bàn luận trên phần xương khuyết với tỉ lệ 1:1 và lên kế hoạch trước khi mổ một cách chính xác. Kết quả là, ca  phẫu thuật đã được thực hiện chỉ trong 9 giờ, thay vì 12 giờ như thông thường.  Điều này có ý nghĩa rất lớn lao trong việc làm giảm thiểu các nguy cơ cho bệnh nhân, giảm áp lực cho nhóm phẩu thuật, và giảm chi phí ca mổ.

Đây là kết quả từ dự án hợp tác HAPIE (Enhancements of High-Quality Human Resources and Employability for Vietnam in Design and Development of High-value Added Products, Innovation and Entrepreneurship) - dự án nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng có việc làm cho sinh viên qua các sản phẩm có giá trị cao, mang tính Sáng tạo và Khởi nghiệp, được thực hiện bởi sự hợp tác hợp tác của hơn 20 trường đại học Việt Nam và Vương quốc Anh, viện nghiên cứu, bệnh viện, doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Sau thành công này, các bác sỹ và kỹ sư Việt Nam đã có thể chủ động thực hiện những ca tương tự với độ chính xác, độ an toàn cao, giảm chi phí cho bệnh nhân, tạo điều kiện nhiều hơn cho những bệnh nhân có thu nhập thấp có thể tiếp cận dịch vụ y tế cao cấp này.

Trong khuôn khổ dự án, các nhà khoa học cũng đã hỗ trợ FabLab Cần Thơ trong việc thiết kế và phát triển kỹ thuật in 3D phục vụ cho việc dạy và học dựa trên giải quyết vấn đề. 

Dự án còn thể hiện được tính đa ngành và khả năng thiết kế và chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua việc chế tạo cánh tay giả cho một sinh viên người dân tộc thiểu số, người không may bị tai nạn mất cả hai cánh tay từ năm 15 tuổi.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, nhiều sản phẩm công nghệ và ý tưởng táo bạo đã được trao đổi, bàn luận giữa các nhà khoa học từ trường đại học Greenwich, Cardiff, London South Bank, và Newcastle với các đồng nghiệp Việt Nam.

Phó Giáo sư (PGS) Mai Anh Tuấn, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chủ nhiệm dự án cho biết "Ngoài những thành tựu trên, HAPIE còn tạo ra được một mạng lưới đối tác năng động, hợp tác chặt chẽ, nơi các thành viên có thể kêu gọi hỗ trợ tư vấn, vốn đối ứng hoặc hỗ trợ nhân/vật lực. Bản thân tôi đánh giá rất cao sự đóng góp hỗ trợ của các thành viên trong ban dự án, đặc biệt là của các chuyên gia của Vương quốc Anh trong việc phát triển đề xuất dự án, chuyển giao công nghệ tri thức và quản lý dự án. Tôi cũng xin cảm ơn Hội đồng Anh đã tài trợ cho dự án ý nghĩa này."

PGS Trần Đức Tăng, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn cho biết "Tôi rất hân hạnh là một đối tác của HAPIE. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các đối tác Vương quốc Anh về cách làm việc, các tổ chức hội thảo, viết đề xuất dự án... Tôi nghĩ việc thiết lập được một mạng lưới đối tác năng động là một thành quả quan trọng của dự án."

Tham gia vào một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của dự án, Giáo sư Jun Nakjima, Tư vấn viên cao cấp cho Hiệu trưởng, và Đồng Giám đốc chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật môi trường của Đại học Việt Nhật (VJU) cho biết "Tôi thấy dự án rất tích cực. Chuyên môn của mạng lưới đối tác của dự án rất đa dạng và có thể hỗ trợ các chương trình về kỹ thuật nano, và các ngành khoa học tự nhiên tại VJU của chúng tôi."

HAPIE, với sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ hợp tác Giáo dục Đại học của Hội đồng Anh, kết thúc trong tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, các thành viên dự án cũng đã ký kết thêm được bốn dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Hội đồng Anh chúc cho các dự án thành công tốt đẹp.

Xem thêm