Hơn 40 lãnh đạo giáo dục đại học cấp cao của Việt Nam và Vương quốc Anh đã gặp gỡ tại hội thảo “Hướng tới quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam tới năm 2025” vào thứ Sáu ngày 18/08/2017 tại thành phố Hồ Chi Minh. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến các nhà hoạch định và thực thi chính sách cho bản dự thảo đề án xây dựng Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học (IHES) cho Việt Nam, và thảo luận việc thành lập mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam Vương quốc Anh để thực hiện các chương trình hợp tác phục vụ cho việc triển khai Chiến lược Quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam. 

Giáo sư Mushtak Talib Ali Al-Atabi, Hiệu trưởng Đại học Heriot Watt và Giáo sư John McBride, Giám đốc điều hành, Đại học Southampton, đều đến từ cơ sở ở Malaysia, đã tham dự hội thảo và chia sẻ các bài học mang tính chiến lược từ kinh nghiệm thực tế trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của trường. Các giáo sư cũng cho biết việc có một chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học cụ thể và rõ ràng là vô cùng quan trọng với bất kỳ trường đại học nào, vì điều đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, hợp tác và trao đổi  sinh viên và đội ngũ giảng viên. 

Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết ông học được nhiều điều về chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học và tầm nhìn chiến lược của các trường đại học Vương quốc Anh, từ bài chia sẻ của hai giáo sư Vương quốc Anh.  

Tiến sĩ Trần Mai Đông, Trưởng phòng Phòng hợp tác quốc tế, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, một trong những thành viên chủ chốt trong nhóm thực hiện bản dự thảo đề án Chiến lược Quốc tế hóa giáo dục đại học cho biết ‘Các giáo sư Vương quốc Anh đã chia sẻ những bài học mang tính thực tiễn, giúp cho nhóm thực hiện điều chỉnh và bổ sung vào bản dự thảo Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học nhiều vấn đề liên quan như đối tác và chiến lược.”

Tiến sĩ Đặng Văn Huấn, chuyên viên phụ trách phát triển dự thảo đề án IHES, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án từ các đại biểu. Các ý kiến cho rằng bản dự thảo đề án IHES nên có phần xác định rõ thử thách trong quốc tế hóa trong tường đại học, từ đó xây dựng đề án, chính sách để hỗ trợ giải quyết thách thức; bao gồm phân định rõ vai trò và trách nhiệm của nhà nước và cơ sở giáo dục đại học; bổ sung nội dung liên quan đến sự kết nối của trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động của trường nói chung, và quốc tế hóa nói riêng; đưa ra chỉ số định lượng trong quốc tế hóa GDĐH để đảm bảo tính khả thi, v..v.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng ủng hộ đề xuất thành lập mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam Vương quốc Anh, với hi vọng sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế các trường đại học Việt Nam, và hỗ trợ trực tiếp việc triển khai Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học. Kế hoạch về việc xây dựng mạng lưới đang được phát triển, và buổi họp đầu tiên của ban ủy viên dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Quốc tế hóa giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập toàn cầu, giúp thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhận thấy tầm quan trọng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng một số trường đại học Việt Nam, phát triển chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học đầu tiên giai đoạn 2017–2020, tập trung phát triển về quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu và các chương trình xây dựng kỹ năng. 

Vương quốc Anh luôn cam kết hỗ trợ việc thực hiện chương trình Đổi mới Giáo dục Đại học (HERA) tại Việt Nam. Là đối tác chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Hội đồng Anh đóng góp xây dựng bản thảo đề án Chiến lược Quốc tế hóa Giáo dục đại học qua việc đồng tổ chức hội thảo với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và kết nối các chuyên gia giáo dục đại học của Vương quốc Anh và Việt Nam vào cuộc thảo luận.