Sổ tay Hướng dẫn Hợp tác Giáo dục và Đầu tư tại Việt Nam là kết quả của sự phối hợp giữa Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh tại Việt Nam. Mục tiêu của cuốn Sổ tay nhằm hỗ trợ làm rõ tính minh bạch trong khung pháp lý, từ đó thúc đẩy hợp tác giáo dục xuyên quốc gia (TNE) và tăng cường trao đổi sinh viên giữa hai quốc gia.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Với tư cách là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh, Hội đồng Anh tại Việt Nam rất vinh dự được phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn ấn bản đầu tiên của cuốn Sổ tay Hướng dẫn Hợp tác và Đầu tư Giáo dục tại Việt Nam – một hoạt động nằm trong kế hoạch chiến lược phát triển Việt Nam trở thành điểm đến học tập lý tưởng của Bộ.
Giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Hợp tác giáo dục song phương có nhiều hình thức, từ việc trao đổi sinh viên đến hợp tác giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn du học tại Vương quốc Anh hoặc đăng ký tham gia các chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) của Vương quốc Anh tại Việt Nam. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vương quốc Anh là đối tác giáo dục xuyên quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, thu hút hơn 5,000 sinh viên theo học trong nước. Trên toàn cầu, 156 tổ chức giáo dục đang cung cấp các chương trình TNE của Vương quốc Anh tại 225 quốc gia, trong đó châu Á chiếm hơn 50% số lượng chương trình (theo UUKi – Quy mô giáo dục đại học Vương quốc Anh TNE – 2022).
Cuốn Sổ tay này diễn giải về khung pháp lý áp dụng cho hợp tác và đầu tư nước ngoài trong giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục đại học, tập trung vào Nghị định 86 (2018) và Nghị định 99 (2019), không bao gồm các quy định về giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (TVET) nhằm giúp các đối tác nước ngoài quan tâm hiểu rõ hơn các quy định hiện hành trong đầu tư và hợp tác giáo dục, qua đó giúp tăng cường xây dựng năng lực và chất lượng giáo dục, góp phần gia tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.