Trở lại Việt Nam sau 16 năm, Nhà văn Anh Jasper Fforde nổi tiếng với những tác phẩm trinh thám dành cho lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng với một phong cách hoàn mỹ làm say mê những độc giả hâm mộ, đã chia sẻ những quan điểm độc đáo về văn chương, và các câu chuyện đầy màu sắc trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Bắt đầu cuộc hành trình tại Hà Nội, ông đã gặp gỡ các độc giả Việt Nam tại buổi tọa đàm “Truyện trinh thám cho thiếu nhi – một mảnh đất màu mỡ” cùng Tiến sỹ ngữ văn, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch. Một trích đoạn từ truyện ngắn “Shuttle” (tạm dịch “Biến mất”) đã được chính tác giả đọc mở đầu buổi thảo luận, giúp người tham dự phần nào cảm nhận được phong cách văn chương của ông. Câu chuyện là một ví dụ điển hình cho cách viết vô cùng khác lạ của Jasper. Trong những sáng tác của ông, bạn đọc sẽ thấy những bà phù thủy yếu ớt, sử dụng sức mạnh và chút ma thuật còn sót lại của mình chỉ để làm việc nhà.
Trả lời câu hỏi về cách nhìn của ông khi viết và tìm nguồn cảm hứng cho những cuốn sách cho trẻ em, Jasper nói rằng: “Tôi không thấy quá nhiều sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn. Trẻ em có thể hiểu được những điều rất phức tạp, bởi các em cũng đến trường hàng ngày, và trải qua các cung bậc cảm xúc vô cùng đa dạng”. Tiến sỹ Phạm Xuân Thạch hoàn toàn đồng tính với nhận định này. Theo ông, hầu hết người lớn đều cho rằng trẻ em vẫn còn nhỏ và không thể có những suy nghĩ phức tạp như người lớn. Chính suy nghĩ phổ biến này của các bậc phụ huynh đã là rào cản khiến trẻ em khó tiếp cận được những cuốn sách chúng yêu thích và theo đuổi sở thích đọc của mình.
Buổi tọa đàm trở nên nóng hơn với những câu hỏi của các phóng viên và các nhà văn tham dự chương trình. Nếu như các phóng viên và nhà báo tập trung vào thói quen đọc sách của trẻ em ở Anh và việc viết sách cho trẻ em, các nhà văn trẻ lại vô cùng háo hức muốn biết thêm về sự nghiệp viết văn và muốn tham khảo những lời khuyên của ông. Jasper cho rằng một nhà văn chân chính sẽ luôn biết mình là một nhà văn, bởi họ sẽ luôn muốn đọc và viết ở mọi nơi, mọi lúc. Cùng chia sẻ về nhận định cho rằng trẻ em hiện nay yêu thích mạng Internet và các thú giải trí khác hơn việc đọc sách, Jasper đã có một suy nghĩ rất lạc quan. Ông đã nói: “Trẻ em có thể yêu thích những thứ khác, nhưng các em vẫn thích sách và có thể thấy lượng bán sách vẫn rất tốt. Vì thế chúng ta, những người viết sách, vẫn cần viết những cuốn sách hay và tìm kiếm động lực và cảm hứng mỗi ngày.”
Bên cạnh tọa đàm, nhà văn Jasper cũng tham dự buổi thảo luận “Xã hội đương đại phản ánh trong truyện ngắn và tiếu thuyết” cùng nhà văn Isarel Etgar Keret và nhà văn Việt Nam Di Li. Ông cũng gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với các học sinh tại Trường Thực Nghiệm Hà Nội trong buổi hội thảo mang tên “Mơ giữa ban ngày cùng mực viết: Hãy viết theo cách bạn muốn viết”.
Kết thúc chương trình tại trường Thực Nghiệm, Jasper Fforde chia sẻ: “Chuyến đi ngày hôm nay của tôi thật thú vị. Tôi đã được làm việc cùng các học sinh thông minh, ham học hỏi, luôn háo hức lắng nghe những gì mà tôi chia sẻ. Sẽ là hơi vội vàng khi tôi đưa ra nhận định sau về các bạn trẻ Việt Nam và văn học khi mới chỉ tiếp xúc với một lớp học sinh, nhưng tôi có ấn tượng rằng đọc truyện viễn tưởng và viết văn sáng tạo dường như không phải là một thói quen mà các em học sinh Việt Nam đang ưu tiên.
Quan điểm này của tôi đã được khẳng định một lần nữa khi cùng làm việc với các bạn làm xuất bản tại Việt Nam. Dường như vẫn còn một mảnh đất còn bỏ ngỏ dành cho các nhà văn Việt Nam ở chính đất nước mình trong ngành xuất bản truyện viễn tưởng. Những lợi ích của việc đọc sách đã được chứng minh từ lâu, nhưng bên cạnh đó còn cả lợi ích về mặt kinh tế khi lĩnh vực xuất bản vẫn là nguồn tài nguyên chưa được khai phá, chừng nào thói quen đọc và viết chưa được đẩy mạnh hơn nữa trong trường, tại nhà và thư viện.”
Suy nghĩ này của Jasper trùng khớp với những gì chúng tôi hướng tới khi mời ông đến Việt Nam. Chuyến đi này của nhà văn Jasper tuy ngắn ngủi, nhưng đã là cơ hội cho độc giả Việt tìm hiểu thêm về văn học đương đại Anh, giúp chính tác giả hiểu thêm về văn hóa Việt và làm cầu nối cho các cơ hội hợp tác cho các nhà xuất bản tại Anh và Việt Nam.