Đặng Thị Hương Lan, Quản lý dự án Kinh tế Sáng tạo của Hội đồng Anh, chia sẻ cảm nhận về những hoạt động hợp tác và phát triển cộng đồng, về các không gian sáng tạo và những điều Việt Nam có thể học tập từ nước láng giềng Indonesia qua chuyến thăm quan thành phố Bandung, Indonesia.
Nhóm chúng tôi, gồm có tôi và bốn doanh nhân sáng tạo từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đấu chuyến đi tới Indonesia, với khát khao được tìm hiểu về không gian sáng tạo trên nước bạn. Vượt trên cả sự kỳ vọng ban đầu, cuộc hành trình đã đưa chúng tôi tới những không gian sáng tạo tuyệt vời và gặp gỡ những doanh nhân sáng tạo thực thụ đầy tài năng.
Tinh thần sáng tạo tuyệt vời
Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi là Common room tại thành phố Bandung. Chị Pitra Moeis, cán bộ chương trình, kể cho chúng tôi nghe về Pulsating Star - đây là dự án kết nối hai lĩnh vực vốn tưởng chừng vô cùng cách biệt là thiên văn học và nghệ thuật. Các bạn có từng nghĩ chúng ta có thể sáng tác nhạc từ những âm thanh thu được từ các ngôi sao và thiên thạch di chuyển quanh trái đất không? Năm 2012, sóng radio từ không gian ngoài vũ trụ được ghi lại ở Đài quan sát Radio Bostscha tại Lembang, Indonesia, sau đó chúng được chuyển thành âm thanh, và nhạc sỹ Gustaff H. Iskandar đã biến chúng thành một tác phẩm âm nhạc tuyệt vời.
Đây chỉ là một trong nhiều dự án Common room đang thực hiện ở một quận nhỏ của thành phố Bandung. Chỉ riêng nơi đây, hiện đang tập trung hơn 20 doanh nghiệp trong ngành kinh tế sáng tạo. Dự án là một ví dụ rất thú vị về sự kết nối giữa giới nghệ sỹ và các nhà khoa học để cùng hợp tác và cho ra đời những tác phẩm tuyệt đẹp. Giờ đây, khán giả có thể cảm thụ thiên văn học qua một loại hình ngôn ngữ đại chúng hơn, đó là âm nhạc; và ngược lại, những nghiên cứu khoa học tưởng chừng khô khan nay sẽ được phản chiếu qua lăng kính diệu kỳ của nghệ thuật. Quả thực, Common room là mảnh đất thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành nghề lĩnh vực khác nhau và là bệ đỡ nơi sự sáng tạo thực sự thăng hoa.
Tinh thần hợp tác và trân trọng viên ngọc ‘tài năng’
Tinh thần hợp tác và nuôi dưỡng tài năng chính là tinh thần cốt lỗi của tất cả các tổ chức mà chúng tôi đã tới thăm trong chuyến đi. Tôi không khỏi băn khoăn làm cách nào những người bạn Indonesia có thể vượt qua vô số thách thức để kết nối thành công những nhóm các nghệ sỹ, sinh viên, các nhà hoạt động chính trị và cộng đồng địa phương - vốn có nhiều khác biệt về xã hội, kinh tế, địa lý và thậm chí về tôn giáo.
Trao đổi với chúng tôi, Alex Sihar (Hội đồng nghệ thuật Jakarta) và Iswanto Hartono (Ruangrupa) cho biết, để trả lời câu hỏi đó, bạn cần hiểu một chút về lịch sử chính trị gần đây của Indonesia. Năm 1998, hệ thống chính trị độc tài ở Indonesia sụp đổ và chính phủ mới ra đời. Điều này đã phá bỏ vô số rào cản, và trên hết, đã đem lại sự tự do trong tư tưởng và hành động. Mọi người trên đất nước này đều cảm nhận một nhu cầu thiết yếu: đó là phải hợp tác cùng nhau, vì một mục tiêu chung là kiến tạo một Indonesia hoàn toàn mới. Sau 15 năm, tinh thần đó vẫn tiếp tục được các thế hệ nghệ sỹ kế cận kiên trì nuôi dưỡng và phát triển, trong đó có những người đang hoạt động tại không gian sáng tạo Ruangrupa.
Tinh thần hợp tác cũng là nét nổi bật ở Urbane, một văn phòng kiến trúc tại Bandung nơi chúng tôi đã ghé thăm. Nếu với một số người, lòng yêu nước là khởi nguồn cho tinh thần đó, thì ở Urbane, hiệu quả và năng suất chính là động lực. T.Ismail. Reza, Giám đốc thiết kế đô thị và Reza A.Nurtjahja, Giám đốc điều hành của Urbane cho biết: “Bandung là một thành phố nhỏ, chính vì vậy chúng tôi phải hợp tác với các nhóm sáng tạo khác để chung tay cùng thực hiện những dự án quy mô lớn, để tối đa hóa nguồn lực, nâng cao tính cạnh tranh và phát triển kinh doanh bền vững”. Tôi thầm nghĩ, phải chăng đây chính là lí do khiến cho Urbane đã và đang trở thành một trong mười công ty kiến trúc uy tín nhất tại Indonesia?
Một cột mốc khác trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp sáng tạo ở Bandung chính là việc thành lập Diễn đàn Sáng tạo Bandung (BCCF). Tổ chức này đã trở thành khu vườn kết nối tất cả các không gian sáng tạo khác trong thành phố. Được thành lập vào năm 2008, Diễn đàn đã thực hiện một số dự án giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến đô thị, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương và các ngành sáng tạo. Tita Larasati, Thư kí của BCCF cho biết: "Ở Bandung, chúng tôi không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng chúng tôi có những con người tài năng, và đó là tài sản lớn nhất của thành phố". Một điều thú vị là thị trưởng thành phố Bandung, Ridwan Kamil (một thành viên của Hội Cựu doanh nhân sánng tạo trẻ YCE) cũng là một trong những thành viên sáng lập BCCF. Những giá trị tôn chỉ của BCCF có lẽ sẽ sớm trở thành trọng tâm trong chính sách phát triển của Bandung.
Những cống hiến vì cộng đồng
Tita chia sẻ thêm: "Chúng tôi phải làm cho thành phố trở nên tốt đẹp hơn, cho chính bản thân chúng tôi". Điều này là động lực cho những hoạt động của BCCF, từ việc duy trì bảo tồn khu rừng thành phố, đến việc cải tạo lại các điểm dừng xe buýt ở Bandung bằng nhiều hoạt động tương tác và hình ảnh mới.
Công ty Urbane cũng chia sẻ giá trị tôn chỉ này. Urbane đã khởi xướng dự án "mỗi ngôi làng là một sân chơi", trong đó, Urbane kết hợp với các đối tác để xây dựng sân chơi cho trẻ em trong các làng xung quanh thành phố Bandung. Những khu vực này đôi khi bị ngập lụt hoặc nằm gần những con sông bị ô nhiễm, do đó giải quyết các vấn đề môi trường là rất cần thiết trước khi khởi công xây dựng. "Thảo luận và gắn kết với chính quyền và người dân địa phương chính là điểm mấu chốt", Angga Latief, Kiến trúc sư cao cấp của Urbane đã chia sẻ với chúng tôi. Theo anh, có thể mất đến hai năm để xây dựng một sân chơi bởi trong quá trình đó, bạn sẽ cần phải cân nhắc các điều kiện của ngôi làng và đảm bảo rằng người dân địa phương sẽ là người chủ thực sự của các công trình được dựng lên.
Và cảm nhận đọng lại trong tôi…
Trên đường trở về Việt Nam, tôi miên man ngẫm nghĩ về những gì đã được nhìn, được thấy trong vài ngày qua. Rõ ràng ở Indonesia, có rất nhiều mô hình không gian sáng tạo khác nhau. Đó không chỉ đơn giản là nơi để mọi người gặp gỡ, làm việc hay chia sẻ ý tưởng, mà còn mang lại nhiều cơ hội, giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển và cùng lúc, hỗ trợ phát triển cộng đồng. Từ những gì chúng tôi đã trải nghiệm, tôi tin rằng không gian sáng tạo và doanh nhân sáng tạo nơi đây sẽ hiện thực hóa những ước mơ cao quý, và cao hơn nữa, họ sẽ từng bước tạo nên một đất nước Indonesia xinh đẹp và hạnh phúc.