Phan Gia Nhật Linh (ngoài cùng, bên phải) cùng những Doanh nhân đoạt giải thưởng Doanh nhân Sáng tạo 2013 đến từ các quốc gia khác

Gặp gỡ Phan Xi Nê, Chủ nhân giải thưởng Doanh nhân Sáng tạo trẻ 2013 (ngành Điện ảnh và Truyền thông Đa phương tiện) do Hội đồng Anh trao tặng. Anh vừa trở về từ chuyến tham quan học tập một tuần tại Vương quốc Anh.

Bài viết có sử dụng tư liệu của bài báo Phan Xi Nê: Đầy phim hay vẫn bị chê đấy thôi của tác giả Dương Vân Anh (Thể thao Văn hóa cuối tuần) và Phan Xi Nê đoạt giải Doanh nhân Điện ảnh trẻ của tác giả Cát Khuê (Tuổi trẻ)

Nước Anh – cuộc sống không ngừng ‘chạy’ nơi đây

Cảm xúc của anh khi nhận giải thưởng Doanh nhân Sáng tạo 2013 của Hội đồng Anh?

Tôi cảm thấy rất vui vì cảm thấy như mình dần gặt hái được thành quả trên con đường minh đã lựa chọn.

Người ta hay gọi anh là đồng sáng lập tiệc phim YXineFF, nhà phê bình phim, nhà sản xuất phim, giờ với danh hiệu mới: Doanh nhân sáng tạo, anh đã thấy quen chưa?

Cũng hơi lạ lạ. Nhưng nghĩ lại thì tôi cũng thấy rằng, mặc dù YXineFF là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng cũng có nhiều đóng góp cho xã hội. Nếu nói theo ngôn ngữ của doanh nhân thì ‘lợi nhuận’ mà YXineFF mang lại không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần nữa.

Trước đây anh đã đến Anh bao giờ chưa?

Đây là lần đầu tiên tôi đến Anh.

Anh có ấn tượng gì trong ‘lần đầu tiên’ này?

Ấn tượng đầu tiên là London…mưa và ẩm ướt, giống hệt những tưởng tượng trước giờ tôi có. Nhưng ở London vài ngày thì những cảm xúc trong tôi về xứ sở sương mù dần thay đổi….

Trước đây tôi cứ nghĩ là London rất buồn và già cỗi; nhưng đến đó tôi mới thấy là mặc dù nơi đây có nhiều công trình kiến trúc cổ kính nhưng về cách sống, lối ứng xử và cách họ tạo ra một cộng đồng thì thật trẻ trung và sôi động. Mình cảm giác cuộc sống ở nơi đây ‘chạy’ liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ vậy.

Hình như anh cũng đang bị ho, có phải là ‘hậu quả’ sau chuyến đi Anh không?

(Cười) Vâng, ngày đầu tiên đến Anh, trời mưa, tôi cũng bị ngấm nước mưa trong khi kéo va li từ nhà ga về khách sạn. Rồi mấy hôm sau thì trời cũng lạnh nữa…

“Cho thuê” không gian để sáng tạo

Phần thưởng là một tuần tham quan học tập tại Vương quốc Anh – trong điều kiện sức khỏe như vậy thì việc đón nhận phần thưởng đó có gì căng thẳng hay mệt mỏi không?

Hoàn toàn không, mặc dù lịch làm việc kín đặc, ngày nào cũng là các cuộc gặp gỡ, họp và hội thảo từ sáng tới tối. Trái lại không khí từ những cuộc gặp gỡ và những điều mới mẻ học được về cách những người bạn ở Anh tạo ra cộng đồng sáng tạo và kinh doanh sáng tạo mang lại cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời.

Cụ thể là gì? 

À, tôi rất ấn tượng khi đến The Hub Westminster, đây như một ‘mái nhà’ dành cho những doanh nhân sáng tạo khởi nghiệp (start-ups). Những doanh nhân này chưa có đủ điều kiện để mở văn phòng riêng, họ có thể đến đây và thuê một chiếc bàn để làm việc. Quan trọng hơn, tại đây họ được ở trong cùng môi trường với những người làm sáng tạo khác, họ nhìn thấy nhau, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng với nhau – tất cả tạo ra một mạng lưới rất tốt.

Một công ty khác cũng gây cho tôi ấn tượng là Protein. Họ dành tầng một của nơi đặt trụ sở công ty làm một quán cà phê nhỏ để tổ chức các sự kiện, các buổi họp mặt, networking. Họ làm như vậy với một triết lý: trong ngành công nghiệp sáng tạo này, hãy cố gắng đừng tạo ra đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, hãy tạo ra những người cộng tác với mình. Đó là một ý rất hay vì làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, tôi thấy rằng việc có những người cộng sự ăn ý là rất quan trọng.

Còn về mặt kinh doanh thì anh ấn tượng với điều gì?

Tất cả những mô hình tôi vừa nói đều không nằm ngoài công việc kinh doanh. Với công ty có quán cà phê như tôi nói ở trên, họ có một ấn phẩm (journal) về chủ đề sáng tạo, rồi họ tạo ra một không gian để đón chào mọi người đến với họ, biết về họ và những sản phẩm họ làm. Trong số những người đến đây chắc chắn sẽ có những đối tác và khách hàng của họ để phát triển công việc kinh doanh.

Còn với The Hub thì họ tạo ra một không gian sáng tạo để cho thuê. Quan trọng hơn, theo cách họ nói một cách tự hào, thì họ đang ươm mầm và tạo ra những nhà lãnh đạo trong nền công nghiệp sáng tạo, từ đó tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Về mặt kinh doanh thì đây là những mô hình rất thú vị vì nó không chỉ tạo ra sân chơi mà những sân chơi này chính là môi trường kinh doanh. 

Có cuộc gặp nào hay hoạt động nào trong chương trình làm việc có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phim ảnh của anh không?

Tôi có gặp một đại diện của BRITDOC, một tổ chức chuyên làm phim tài liệu. Họ có cách thức gây quỹ làm phim rất hay. Trước giờ thì các nhà sản xuất thường tìm đến những nhà đầu tư hay doanh nghiệp – nhưng câu hỏi của họ là: ngoài những người này ra thì còn ai là người có tiền nữa. Cần phải hiểu rõ về bộ phim của mình, thậm chí phải vẽ ra một sơ đồ những đối tượng bộ phim sẽ gây ảnh hưởng. Những đối tượng đó có thể là người tiêu dùng hay chính sách xã hội. Những đối tượng quan tâm đến bộ phim sẽ được mời đến buổi thuyết trình giới thiệu ý tưởng.

Đây là ý tưởng rất hay với YXineFF vì trước giờ chúng tôi cũng luôn tìm kiếm các đối tác có thể đồng hành với mình, nhưng chủ yếu vẫn làm khá tự phát chứ không có chiến lược và phân định một cách có hệ thống như BRITdoc đã làm.

Trong Diễn đàn Giao thoa truyền thông (Cross-media Forum) tại London, có rất nhiều chia sẻ từ các diễn giả trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, anh có ấn tượng với điều gì ở diễn đàn này không?

Tôi ấn tượng với phần trình bày của Nuno Bernardo. Anh nói về cách tạo ra một series những sản phẩm khác nhau từ một ý tưởng tưởng chừng đơn giản. Từ một cuốn truyện tranh, anh phát triển thành một trò chơi điện tử (game), phim truyền hình và phim điện ảnh. Anh ấy có kế hoạch dài hơi và sử dụng mạng xã hội phục vụ cho kế hoạch của mình. Đây là một bộ phim kinh phí thấp nên tôi thấy khá phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; và tôi cũng học hỏi được nhiều từ cách anh ấy trình bày ý tưởng làm phim với các hãng phim. 

Ngoài ra, một diễn giả khác đến từ Tribeca Film Hoa Kỳ nói về cách tập hợp những dự án nhỏ để tạo ra một dự án lớn, ví dụ cụ thể là cô ấy đã tập hợp 15 phim ngắn về cùng đề tài để tạo thành một festival lớn hơn. Đây là cách mà YXineFF cũng đã có ý tưởng làm và chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới. 

Điện ảnh: Hãy nhường chỗ cho những người trẻ

Tham dự lễ trao giải Doanh nhân sáng tạo có Lord David Puttnam, một nhà sản xuất phim kỳ cựu đã từng đoạt 10 tượng vàng Oscar. Từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, anh có thu được điều gì lý thú cho riêng mình?

Có một chi tiết rất hay. Khi đó, có người đặt câu hỏi: Tại sao làm phim thành công như vậy mà ông lại quyết định từ bỏ nó? 

David Puttnam đã trả lời rằng: Nếu tôi không bỏ nó thì nó cũng bỏ tôi. Vì điện ảnh là dành cho những đối tượng trẻ, những người từ 25-35 tuổi. Nếu muốn nền điện ảnh phát triển thì phải để cho những người trẻ tuổi hơn vươn lên và giữ những vị trí lãnh đạo. 

David Puttnam cũng nhắn gửi đến một quan chức Việt Nam tại buổi trao giải rằng, hãy để những bạn trẻ kể câu chuyện của thế hệ của họ. Tương lai nền công nghiệp điện ảnh cần nằm trong tay những nhà làm phim trẻ trong độ tuổi 25 - 35 tuổi, bởi họ là những người cùng thế hệ với những khán giả chủ chốt của nền điện ảnh. Chúng ta cần phải tin tưởng và tạo điều kiện cho những nhà làm phim trẻ này phát triển bằng những chính sách cụ thể hơn"

Khi có bạn hỏi liệu truyền hình có đang giãy chết vì sự cạnh tranh của video game, multimedia và các mạng xã hội không, thì David Puttnam tự tin rằng, truyền hình thực sự đang phát triển thăng hoa hơn bao giờ hết. Trong khi điện ảnh ngày càng chú trọng vào những siêu phẩm khổng lồ với nhiều kỹ xảo và cháy nổ, thì đó là lúc mà phim truyền hình bắt đầu khai thác vào những câu chuyện đầy nội tâm và tình người. "Tôi tin rằng, nhân loại chưa bao giờ cảm thấy chán những câu chuyện về tình người cả", ông nói. Và với một thị trường nhỏ bé, một nền công nghiệp điện ảnh còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam, thì những câu chuyện về tình người là cách mà chúng ta có thể cạnh tranh với những siêu phẩm Hollywood.

Cảm ơn anh và chúc anh đạt nhiều thành công hơn nữa.

Chú thích ảnh: Phan Gia Nhật Linh (ngoài cùng, bên phải) cùng những Doanh nhân đoạt giải thưởng Doanh nhân Sáng tạo 2013 đến từ các quốc gia khác.

Về Phan Gia Nhật Linh

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh

Từng làm Thư ký tòa soạn tạp chí Sân khấu và Điện ảnh

Từng quản trị hai diễn đàn trực tuyến về phim lớn nhất ở Việt Nam Moviesboom và YXine

2006: Là người Việt đầu tiên nhận học bổng Quỹ Ford về sản xuất phim tại Khoa Nghệ thuật điện ảnh Đại học Nam California, Mỹ

Đồng sáng lập liên hoan phim ngắn quốc tế thường niên YxineFF

2013: Giành Giải thưởng Doanh nhân Trẻ sáng tạo do Hội đồng Anh trao tặng

2013: Đạo diễn phim truyền hình đầu tay Bếp hát

Dự án tiếp theo: Phim điện ảnh Mắt lạnh chuyển thể từ truyện Những đôi mắt lạnh của Phan Hồn Nhiên

Sản xuất phim Thần tượng, đạo diễn Hậu trường phim Cưới ngay kẻo lỡ, Phó Đạo diễn phim Mỹ nhân kế.