Nghiên cứu, trưng bày và ấn phẩm về lịch sử truyền miệng Cải lương:
Nghiên cứu do Hugo Frey và Susanne Johnson (Đại học Chichester, Anh Quốc) thực hiện vào tháng Tư 2019 – với sự cố vấn của các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu Cải lương danh tiếng Nguyễn Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hồng Dung. Nhóm nghiên cứu gặp gỡ và phỏng vấn hơn 30 người thực hành Cải lương từ các địa điểm và ngành nghề khác nhau ở miền Nam. Nghiên cứu được công bố vào tháng Mười một 2019 qua một ấn phẩm với tên gọi Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp, ra mắt cùng dịp với triển lãm, các phần biểu diễn, chiếu phim và tọa đàm diễn ra tại phố sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM). Bản điện tử của cuốn sách có thể xem tại đây.
“Suốt phần lớn thời gian của thế kỷ XX, Cải lương là hình thức giải trí chiếm ưu thế ở miền Nam Việt Nam, với những phiên bản đã ra tới miền Bắc. Kết hợp âm nhạc, bài bản, kịch nghệ và diễn xuất, Cải lương kể những câu chuyện huyền thoại, lịch sử, hài kịch, về những trải nghiệm xã hội cũng như cá nhân. Cải lương là một hình thức văn hóa độc đáo như nghệ sĩ Năm Châu từng miêu tả: “thật và đẹp”.
Mời các bạn bước chân vào thế giới Cải lương qua lời kể của bốn thế hệ các nghệ sĩ, người lớn tuổi nhất đã ngoài 80, người trẻ nhất cũng hơn 30. Đây là thế giới của những đào kép, soạn giả, đạo diễn, giảng viên, nhà làm phim, nghệ nhân làm trang phục, bầu gánh hát, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu, cũng như người mộ điệu. Thế giới Cải lương mà những câu chuyện này đem đến là thế giới của những người xuôi theo các dòng sông để đến hát hết nơi này đến nơi khác, của những sân khấu chật kín người vào thời hoàng kim thập niên 1960–1980, của những hy sinh cá nhân vì nghệ thuật, và những câu chuyện khác nữa.”
Truyền dạy Cải lương: Các lớp truyền dạy cải lương diễn ra tại TP HCM, do chính các nghệ sĩ và diễn viên có thâm niên thực hiện, cũng như phối hợp cùng các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, giáo dục khác. Các khóa học hướng đến đối tượng trẻ, thanh thiếu niên, cũng như các khán giả yêu thích Cải lương, với mục đích thúc đẩy các gắn bó cộng đồng từ cấp cơ sở.