©

British Council

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung là nhà hoạch định chính sách Việt Nam đầu tiên tiếp cận khái niệm doanh nghiệp xã hội và cũng là người tiên phong đồng hành cùng Hội đồng Anh thúc đẩy mạnh mẽ đưa doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) là “người anh cả”, là “đại sứ” của doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong hệ thống luật pháp. Những năm 2009–2014 là một giai đoạn đáng nhớ của ông và cộng đồng DNXH. 

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3 năm 2009 khi lần đầu tiên Hội đồng Anh giới thiệu khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) ở Việt Nam, cũng là thời điểm Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung xem được một phóng sự của truyền hình Anh vào năm 2009, nói về một loại hình doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn đứng vững và giải quyết được các vấn đề phát sinh từ khủng hoảng. Là người làm chính sách, rất nhạy cảm, ông Cung thấy ngay đây là vấn đề cần thiết cho Việt Nam. Ông đã hợp tác với Hội đồng Anh nhằm tạo ra một hệ sinh thái giúp cộng đồng doanh nghiệp xã hội phát triển một cách bền vững từ đó đến nay.

Sự hợp tác giữa hai bên chính thức diễn ra bằng một cuộc nghiên cứu khảo sát về thực trạng DNXH ở Việt Nam, ở Vương quốc Anh và ở các nước trong khu vực về DNXH cũng như về những chính sách phát triển cho DNXH mà Vương quốc Anh đi tiên phong, từ đó học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào Việt Nam. Từ cuộc khảo sát này, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cảm thấy thực sự được truyền cảm hứng bởi mô hình kinh doanh vì mục tiêu nhân văn là nhằm phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Ông trở thành một nhân tố tích cực, người tiên phong soạn thảo, đưa DNXH vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014, giúp tạo nên hành lang pháp lý, “hệ sinh thái” cho DNXH. Trong quá trình này, Hội đồng Anh đã sát cánh cùng ông Cung và các đồng nghiệp với việc chia sẻ các ví dụ điển hình của Vương quốc Anh để minh chứng cho sự thành công và những tác động xã hội mà các DNXH đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Vương quốc Anh. 

Nhờ được “Luật hóa”, DNXH ở Việt Nam được chính thức công nhận, và Việt Nam trở thành một nước có hệ thống pháp lý tiên phong về DNXH trong khu vực. DNXH được khuyến khích và được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ và công bằng hơn trước, thay vì phải chịu tuân thủ các quy định vốn chỉ dành cho doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng chính là tác giả của hàng loạt điều luật có tầm quan trọng với công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Ông làm việc ở CIEM từ năm 1983, đúng vào thời kỳ chuyển mình cho công cuộc Đổi Mới. Ông soạn thảo các Luật như như Luật Đầu tư Nước ngoài 1987, Luật Doanh nghiệp Tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Ông cũng là người chịu ảnh hưởng của giáo dục Vương quốc Anh. Ông được nhà nước cử đi học sau đại học (postgraduate diploma) ở Anh năm 1992. Vào năm 1994, ông Cung trở lại Anh theo học bổng Chevening, bậc thạc sĩ do Bộ Ngoại giao Anh đài thọ và Hội đồng Anh điều phối. Sau trải nghiệm gần mười năm với việc hoạch định chính sách và nghiên cứu ở trong nước, những khóa học này là bước đột phá, giúp ông có được những kiến thức thực sự căn bản về kinh tế thị trường, nâng tầm hiểu biết, đem lại cho ông cách nhìn mới, phương thức mới về việc xây dựng luật.