©

British Council

Trong 26 năm ông Nguyễn Quang Vinh làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bắt đầu từ vị trí chuyên viên cho đến khi trở thành Tổng thư ký, cũng là 26 năm phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa VCCI và Hội đồng Anh, từ khi Hội đồng Anh chuẩn bị đặt văn phòng tại Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại. Điều tuyệt vời là cả hai bên cùng đồng hành với sự phát triển của Việt Nam, đem lại các kết quả ý nghĩa cho môi trường kinh doanh cũng như các cá nhân tham gia.

Năm 1992 ông Nguyễn Quang Vinh bắt đầu làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở vị trí cán bộ Ban Quan hệ Quốc tế phụ trách thị trường Anh và Mỹ, đó cũng là thời điểm chuẩn bị cho sự hiện diện chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Ông Vinh vẫn còn nhớ đã trực tiếp hỗ trợ quá trình thiết lập văn phòng Hội đồng Anh tại Hà Nội. 

Sau đó, sự hợp tác đầu tiên giữa hai bên là các khóa dạy tiếng Anh. Bối cảnh Việt Nam lúc ấy, như ông Vinh mô tả, là Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới, cần nguồn nhân lực biết sử dụng thành thạo tiếng Anh: “Lúc đó không có nhiều người biết tiếng Anh. Chính vì thế sự hỗ trợ của Hội đồng Anh tổ chức khóa dạy tiếng Anh cho cán bộ chủ chốt của VCCI, cho các doanh nghiệp hay cán bộ các bộ ngành, là những hoạt động hết sức hữu hiệu”. 

Bên cạnh đó, Hội đồng Anh rất tích cực hỗ trợ các cán bộ chủ chốt của VCCI tiếp cận chương trình học bổng Chevening của Bộ ngoại giao Anh (do Hội đồng Anh điều phối). Ông Vinh và không ít những cán bộ lãnh đạo của VCCI các thời kỳ đã nhận được học bổng Chevening và qua đó thu được các giá trị lâu dài từ việc đi du học ở Vương quốc Anh. Ông Vinh đã tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) chuyên ngành Kinh tế và Quản lý Xuất khẩu tại trường Cass Business School - một trong những trường quản trị kinh doanh hàng đầu của Vương Quốc Anh. Đối với ông, điều ông thu nhận được - thậm chí còn quan trọng hơn những kiến thức học tập - chính là phương pháp tiếp cận tri thức mới một cách khoa học. Và không chỉ vậy, còn có những kỹ năng hữu hiệu khác, ví dụ như quản lý thời gian, tinh thần làm việc nhóm, thái độ chủ động tích cực, giao tiếp trong môi trường đa văn hóa. Những kỹ năng đã giúp ông thành công và cân bằng hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

Trong tiến trình hợp tác, một đóng góp nổi bật của Hội đồng Anh đối với VCCI và môi trường kinh doanh được Tổng thư ký Nguyễn Quang Vinh đánh giá rất cao, đó là sự tiên phong của Hội đồng Anh trong hỗ trợ và đồng hành với các cơ quan hữu quan để đưa khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) vào Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Ông Vinh diễn giải: “DNXH được tạo lập ra để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, nếu được phát triển sẽ rất tốt không chỉ về kinh tế mà về an sinh xã hội, cần được nhận ưu đãi của các cấp các ngành để phát triển. Doanh nghiệp xã hội là khái niệm mới, ở Việt Nam cách đây năm – sáu năm chưa có nền tảng pháp lý nào để được phát triển. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Anh hợp tác với VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa khái niệm DNXH vào Luật Doanh nghiệp. DNXH từ chỗ chưa được công nhận nay đã có vị thế nhất định. Và Hội đồng Anh đã rất tích cực tham vấn, tổ chức những chuyến khảo sát ở Vương quốc Anh cho các nhà lãnh đạo cấp cao, đưa chuyên gia Vương quốc Anh tới tham gia những diễn đàn về doanh nghiệp phát triển bền vững để Việt Nam có căn cứ tham khảo và đưa vào luật”.

Ông Vinh cho biết DNXH là một trong những nội hàm của phát triển bền vững doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững – một sáng kiến của VCCI – đang thúc đẩy ở Việt Nam nhằm giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) - chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Chính vì thế, DNXH luôn là một nội dung quan trọng được đưa ra tại các Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (lần đầu được tổ chức năm 2014), trong đó Hội đồng Anh tích cực tham gia thông qua việc cử các chuyên gia từ Vương quốc Anh đến chia sẻ tại diễn đàn này, và điều đó đã góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc tạo dựng các giá trị bền vững, phù hợp với mục tiêu PTBV.

Một sáng kiến kết nối nhiều mặt mà ông Vinh cũng muốn nhấn mạnh, đó là việc Hội đồng Anh phối hợp với VCCI để thành lập UKAV – Hiệp hội Cựu du học sinh Anh tại Việt Nam. Ông thấy rằng UKAV hoạt động rất tích cực, thu hút hàng ngàn hội viên qua những hoạt động như thể thao, giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại. “Đó là một trong những việc mình đánh giá rất cao vai trò của Hội đồng Anh và sứ quán Anh trong việc phối hợp với các cơ quan Việt Nam”, ông Vinh bày tỏ. 

Với tầm nhìn dài hạn, ông Nguyễn Quang Vinh rất tâm huyết với vai trò xúc tiến các giá trị phát triển bền vững cho doanh nghiệp, hướng đến các mục tiêu PTBV, và chắc chắn, Hội đồng Anh với mục tiêu và hướng đi chung, sẽ tiếp tục hợp tác “lâu dài, bền bỉ và tích cực” với VCCI.

“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có sự hợp tác và quan hệ rất tốt với Hội đồng Anh, hai bên đã tạo giá trị gia tăng rất nhiều trong giao lưu trao đổi giáo dục, xúc tiến thương mại và văn hóa giữa hai nước.”